hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Chân dung người phụ nữ luôn miệt mài với sự phát triển của thủ đô Hà Nội

12-10-2022
Ở cái tuổi mà đa phần người ta chọn nghỉ ngơi vui tuổi già thì PGS.TS Bùi Thị An vẫn miệt mài các hoạt động xã hội, các đề tài khoa học.
 

PGS.TS Bùi Thị An (Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội) dù đã gần 80 tuổi nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công tác nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Bà Bùi Thị An đã có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô cũng như sự tiến bộ của phụ nữ Hà Nội, đem lại lợi ích quý báu cho cộng đồng và xã hội.

Bà An sinh ra trong một gia đình trí thức. Sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhận công tác tại Viện Khoa học tự nhiên (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí như Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ Khoa học thành phố Hà Nội.

 PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ: "Xuất thân từ cán bộ khoa học cho nên niềm đam mê với khoa học đã ngấm sâu trong tôi. Đối với Hà Nội, tôi có suy nghĩ tự nhiên là mình cần làm gì đó cho nơi mình đã lớn lên và trưởng thành. Khi tôi học cấp 2, cấp 3 Hà Nội, tôi cũng là một trong những học sinh gần như xuất sắc toàn diện của Hà Nội. Khi tốt nghiệp lớp 10, tôi vinh dự là 1 trong 2 học sinh của miền Bắc lần đầu tiên được Thành ủy Hà Nội ra quyết định kết nạp Đảng vào năm 1963".

Bà An được biết đến là chuyên gia về môi trường; phát triển cộng đồng; giám sát, đánh giá dự án, giảng bài về môi trường và phát triển cộng đồng. 

Suốt 33 năm công tác tại Viện Khoa học tự nhiên, bà được học và làm việc với nhiều người thầy, nhiều nhà khoa học lỗi lạc, tài ba.

“Những người thầy, đồng nghiệp của tôi trong hàng chục năm công tác không chỉ truyền thụ kiến thức, phương pháp, niềm say mê khoa học cho tôi mà cách đối nhân xử thế và đạo đức nghề nghiệp của các thầy, các anh cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của tôi”, bà Bùi Thị An cho hay.

Sau khi nghỉ hưu, nếu người khác chọn nghỉ ngơi tuổi già thì bà An vẫn luôn bận rộn với các công tác xã hội cũng như nghiên cứu. Bà tham gia chủ trì và thực hiện nhiều đề tài, dự án về tài nguyên, môi trường đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường nước các hồ ở Hà Nội. Trong suốt 20 năm qua, bà đã tham gia 29 đề tài, dự án, trong đó có 20 đề tài, dự án được triển khai ở Hà Nội.

Là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016) của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, bà cũng dồn nhiều tâm sức và thời gian tham gia các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của Thủ đô và đất nước.

cdd40e1e7a53193ec1d4bde5b5b859fe-1453 

PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ: “Trở thành đại biểu dân cử là một vinh dự rất lớn nhưng cũng mang rất nhiều trọng trách. Để trở thành người đại biểu dân cử thực sự xứng đáng thì việc đầu tiên là xác định phải hết lòng vì dân. Ngoài việc đủ tầm, đủ tâm thì trong cách làm luôn phải xác định là đại biểu được dân chọn, dân bầu thì luôn phải đặt lợi ích của người dân lên đầu tiên, thể hiện được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đại biểu phải biết tiếp nhận phản ánh của cử tri, chủ động kiến nghị với các cấp có thẩm quyền giải quyết. Nếu là vấn đề có sự ảnh hưởng rộng lớn hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới nhân dân ở nhiều vùng, nhiều địa phương thì phải kiên quyết phát biểu tại Quốc hội, chất vấn các tư lệnh ngành và kiên quyết giám sát”.

Trong nhiệm kỳ của mình, đại biểu Bùi Thị An đã có nhiều chất vấn, ý kiến thẳng thắn trên diễn đàn Quốc hội và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri, nhân dân cả nước. Bên cạnh đó chính vì sự thẳng thắn này, bà cũng từng nhận sự gợi ý của trưởng ngành đề nghị phát biểu nhẹ nhàng hơn, thậm chí là xin không chất vấn.

“Là đại biểu dân cử thì vinh dự đấy nhưng cũng không ít trọng trách. Tôi luôn xác định phải làm việc với tinh thần hết lòng vì dân, phải đặt lợi ích của người dân lên đầu tiên, thể hiện được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp nhận phản ánh của cử tri thì phải chủ động kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để giải quyết. Cần thiết thì phản ánh lên cấp cao hơn và nhất định phải giám sát đến cùng”, bà tâm sự.

Hiện tại, với vai trò là Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An vẫn tham gia nhiều hoạt động khoa học nghiệp vụ, phát triển cộng đồng và bình đẳng giới, phục vụ cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Bà cũng tham gia nhiều dự án, đề tài khoa học về vấn đề xã hội, nông nghiệp, nông thôn, như: Xử lý ô nhiễm nước hồ Thành Công bằng phương pháp sinh học và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư sống quanh hồ; xử lý ô nhiễm nước hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bảo đảm độ sạch bền vững...

Tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, bà được giao theo dõi và chỉ đạo tư vấn, phản biện về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, nhằm đóng góp ý kiến cho việc xây dựng quy hoạch vùng cung cấp rau và thực phẩm sạch cho Thủ đô thông qua việc triển khai các dự án và tổ chức các lớp tập huấn (phối hợp với các trung tâm y tế một số quận, huyện như Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Gia Lâm… tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, các trường mầm non, khu du lịch...), góp phần nâng cao kiến thức cộng đồng, đặc biệt là nông dân ngoại thành trong vấn đề bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không chỉ các đề tài về nghiên cứu môi trường, bà còn tích cực tham gia giám sát trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; góp ý vào Bộ luật Lao động sửa đổi, công tác bình đẳng giới... Bà luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. 

Trên cương vị là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, nhiều năm qua bà Bùi Thị An đã tích cực đóng góp cho sự phát triển của Hội, luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

"Việc tổ chức cùng mọi người hoạt động, nghiên cứu khoa học, cống hiến tri thức cho đời, làm nhiều việc ích lợi cho cộng đồng,…khiến tôi cảm thấy vui hơn, cuộc sống tươi đẹp hơn. Tôi nghĩ rằng còn sức khỏe thì còn cống hiến", PGS. TS Bùi Thị An nói.

Với niềm đam mê khoa học cũng như trí tuệ, PGS.TS Bùi Thị An cùng Hội Nữ trí thức Hà Nội đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Những việc làm thiết thực của các hội viên Hội Nữ trí thức Hà Nội đã khẳng định vai trò đi đầu, nòng cốt của nữ trí thức cùng với phụ nữ Hà Nội trong công tác bình đẳng giới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

anh-3-16650214521221309891082-1453

PGS.TS Bùi Thị An tham gia đóng góp ý kiến tại một hội nghị phản biện xã hội do MTTQ TP. Hà Nội tổ chức. 


Bà từng nhận Huy chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ; Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; danh hiệu "Người tốt, việc tốt" thành phố (năm 2016); 3 Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố (năm 2017, 2021, 2022); 3 Bằng khen Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (năm 2016, 2018, 2019); Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 2020, bà được Chủ tịch UBND Thành phố tặng Bằng khen về thành tích trong hoạt động của Hội đồng tư vấn của UBND TP. Hà Nội và là 1 trong 10 cá nhân được trao tặng "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2022.

“Có những vấn đề nhỏ thôi, nhưng nếu bỏ qua thì sự ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn. Từ văn hóa ứng xử giữa con người với con người đến giao tiếp xã hội ở quy mô lớn hơn đều quyết định trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô. Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp hôm 15/9, khi cho rằng, quan điểm cải cách hành chính của thành phố Hà Nội là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng con người vẫn là mấu chốt trong hệ thống đó”, bà Bùi Thị An nói.

Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.