Phát biểu chỉ đạo chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao sự chủ động, bài bản của TW Hội đã phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Đề án và triển khai thực hiện hội nghị, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp Hội LHPN Việt Nam; đồng thời, biểu dương một số Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 939 và các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là những nội dung lớn và khó, đòi hỏi Hội LHPN Việt Nam phải hết sức chủ động, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là trong bối cảnh phần lớn quá trình triển khai các Đề án cũng là thời điểm toàn xã hội phải chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid -19.
Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và các đại biểu tham quan triển lãm của phụ nữ khởi nghiệp trưng bày tại hội nghị
“Phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của nước ta đạt được những thành tựu to lớn, được các tổ chức quốc tế và nhiều nước thừa nhận. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng nhận định.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta với quan điểm coi kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là một trong những thành phần kinh tế quan trọng; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, đặc biệt là chương trình OCOP... ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng miền địa phương. Trong đó, giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện hai Đề án của Chính phủ, đó là Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939) và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Các đại biểu tham dự chương trình
Trong lĩnh vực kinh tế tập thể, trong số hơn 29 nghìn HTX trên toàn quốc, có khoảng 10% Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, trong đó, nhiều Hợp tác xã của phụ nữ đang khẳng định có nhiều ưu điểm, thế mạnh, đóng góp lớn trong sản xuất sản phẩm bản địa, chiếm 39% chủ thể sản phẩm OCOP, 80% lực lượng lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp là phụ nữ. Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng trên thực tế nhiều Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý quy mô còn nhỏ, chưa bắt kịp xu thế ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, còn thiếu tính liên kết, kết nối, sản phẩm chưa đạt chuẩn để xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Nhân Hội nghị khởi động triển khai Đề án 01, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Hội LHPN Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, tham gia chủ động, phát huy vai trò, trách nhiệm; khắc phục những hạn chế thời gian qua để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Đề án. Trong quá trình triển khai, cần quán triệt nhận thức: Phát triển Hợp tác xã không phải là nhiệm vụ mới, nhưng phải luôn trăn trở, tư duy, đổi mới phương thức, cách làm, làm sao để nhiệm vụ không mới nhưng luôn có sức sống mới, có bước phát triển mới. Bám sát các quan điểm, mục tiêu, định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể đến năm 2030, lấy phụ nữ, người dân tham gia Hợp tác xã là trung tâm; chú trọng phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng và của toàn xã hội, lồng ghép nguồn lực thực hiện Đề án từ Các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các hoạt động hỗ trợ cụ thể cần kịp thời, nhạy bén, có trọng tâm, trong điểm, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu. Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết trong các tổ chức kinh tế tập thể và giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 63 tỉnh/thành phố
Để sớm đưa Đề án 01 được triển khai đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng đề nghị cần triển khai một số nhiệm vụ, công việc trọng tâm trong năm 2023 và các năm tiếp theo:
Thứ nhất, TW Hội LHPN Việt Nam, Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Đề án theo từng giai đoạn và hàng năm. Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham mưu cho cấp uỷ, Ủy ban nhân dân ban hành Đề án/Kế hoạch/chương trình cụ thể, phân công rõ người, rõ việc để thực hiện Đề án 01 bài bản, đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đồng chí chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý.
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát các định hướng, chủ trương của Đảng về hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, đặc biệt quan tâm mục tiêu “xóa bỏ phân biệt về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực” trong hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Là cơ quan chủ quản chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã theo Quyết định 1804, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các Bộ chủ quản các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ, bố trí kinh phí thực hiện Đề án 01, trước mắt bổ sung kinh phí thực hiện Đề án 01 trong năm 2023, cân đối phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ
Thứ ba, Bộ Tài chính, trên cơ sở đề nghị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương, cần dự kiến bố trí ngân sách trung hạn và hàng năm để thực hiện Đề án 01, lưu ý bổ sung ngân sách để các cấp Hội, các Bộ, ngành triển khai những nhiệm vụ ban đầu của Đề án trong năm 2023. Quan tâm chính sách thuế của khu vực kinh tế tập thể trong quá trình xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện cho các Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ có cơ hội phát triển bền vững.
Thứ tư, các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ ngành quan tâm cân đối, bố trí kinh phí trong các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung phát triển kinh tế tập thể; rà soát đánh giá nhu cầu nhân lực nữ, xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhân lực nữ phục vụ phát triển kinh tế tập thể; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các hội nghị, diễn đàn, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực kinh tế tập thể.
Thứ năm, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch/đề án triển khai Đề án 01, thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ chỉ đạo thực hiện Đề án (ban hành trước tháng 5/2023). Quan tâm bố trí nguồn lực, ưu tiên lồng ghép vào các chương trình, đề án có liên quan nhằm tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện Đề án 01. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, địa phương, tạo điều kiện và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong triển khai Đề án.
Thứ sáu, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 01. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương hướng xử lý. Giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp các Bộ, ngành liên quan tổng hợp tiến độ triển khai và báo cáo kết quả với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Theo hoilhpnvn.org.vn