hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Mái nhà hạnh phúc của Nữ trí thức Bách Khoa Hà Nội

13-03-2023

Một tiến sĩ mới chuyển về Đại học Bách khoa Hà Nội từng tâm sự với tôi: “Về đây làm việc, em cảm thấy hạnh phúc vô cùng, nhất là trong Chi hội Nữ trí thức của trường. Em thật may mắn khi được cống hiến ở môi trường này”. Nghe cũng hơi là lạ. Nhưng, được tiếp xúc với các chị, chứng kiến những thành quả khoa học của các chị, thì thấy, tâm sự của nữ tiến sĩ trẻ cũng là của nhiều chị em ở đây.

z4129451869310_2a33aed7deb36fd134b933011019868c

Các hội viên Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa trong chuyến công tác tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (2/2023)



Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội (NTT ĐHBK) được thành lập vào cuối năm 2020 với mục tiêu tạo ra một môi trường để hấp dẫn các nữ trí thức tham gia nhiều hoạt động dành cho nữ trí thức và qua đó có sự kết nối rộng rãi hơn và động lực mạnh mẽ hơn để cùng nhau phát triển bản thân và nghề nghiệp. Mục tiêu thì cao đẹp thế, hẳn rồi, nhưng làm sao để tổ chức được hoạt động ấy, thu hút chị em tham gia vào những hoạt động ấy, quả là không dễ dàng. “Hội” mà, có phải tổ chức nhà nước, có gì ràng buộc chặt chẽ đâu! 

329731079_959937915384695_5980547480969076474_n

Tập thể Chi hội và Chi hội trường - GS. Lê Minh Thắng và các hội viên nhận được bằng khen của Trung ương Hội Nữ trí thức Việt Nam (11/2022)



Thì ra, bí quyết của các chị là đây. PGS. Hoàng Thị Thu Hương - Chi hội phó Chi hội NTT ĐHBK Hà Nội - cho biết: Chi hội không tổ chức những hoạt động thuần túy mà luôn tìm tòi những hoạt động mới, có sức hấp dẫn với chị em, để chị em đồng lòng, tự nguyện tham gia chứ không phải vì bất kỳ ràng buộc nào. Thật ra, trong những môi trường mà nữ trí thức thông minh và cá tính như ở ĐHBK Hà Nội thì muốn ràng buộc sẽ không thành công, mà chỉ có thể để họ tự nguyện. Đó cũng chính là một thách thức mà BCH non trẻ của chi hội NTT ĐHBK Hà Nội, được thành lập lần đầu tiên vào 15/10/2020 đã phải xác định ngay từ những ngày đầu. 

Và những hoạt động mà BCH “nghĩ ra” đã thực sự hiệu quả. PGS. Trương Thu Hương – Chi hội phó Chi hội NTT ĐHBK Hà Nội - nói vui: “Cứ thấy chị em có sản phẩm nào hay hay thì “gạ” bán hàng cho nhau vì nữ trí thức BK có những sản phẩm cây nhà lá vườn rất độc đáo của Viện CN sinh học và Thực phẩm. Tuy thế, những sản phẩm này chưa được các chị em ở các đơn vị khác trong trường tiếp cận được vì các sản phẩm mới được sản xuất ở quy mô thử nghiệm nên cũng không có nhiều. Vậy là thông qua kênh chi hội, các sản phẩm thương mại hóa và gần gũi với đời sống của các chị em trong trường đã được giới thiệu tới các chị em khác. Chúng tôi dùng hàng của nhau, vừa chất lượng, bảo đảm, vừa tăng động lực cho các chị em sản xuất”. 

e863c7d4598599dbc094

Một số sản phẩm được giới thiệu vào dịp cuối năm, phục vụ Tết Nguyên đán như rượu mơ, salami, trà đại mạch, mứt và trà hoa hồng ngọc, đông trùng hạ thảo, từ khi được giới thiệu qua kênh chi hội, năm nào cũng sớm hết hàng, và mỗi năm lại có thêm những sản phẩm mới để thu hút các chị em. Bên cạnh các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng, chi hội cũng tích cực quảng bá các sản phẩm công nghệ của các thành viên trong chi hội như đèn tảo. Nhờ đó, Hội vừa có hoạt động để gắn kết chị em với nhau, lại vừa có chút kinh phí nho nhỏ để cho hoạt động Hội.
 
Quan tâm động viên tinh thần cho chị em làm khoa học là mục đích hoạt động chính của hội. “Các chị em nhìn chung rất “lười” làm hồ sơ xét giải này nọ” – PGS. Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ. Cho nên Chi hội có nhiệm vu phát hiện tài năng, cô nào có năng lực là “thúc” ngay, mà đã thúc thì phải trúng và đúng.

1_1

Một góc "gian hàng" sản phẩm "cây nhà lá vườn" của chị em Chi hội NTT ĐHBK


Thật ra là Chi hội chia sẻ các kinh nghiệm tham gia và đánh giá các giải thưởng để các hội viên tự tin hơn khi tham gia các sân chơi công nghệ. Có lẽ nhờ sự thông tin, khích lệ và động viên nhau của các thành viên trong chi hội, các nữ trí thức BK đã tự tin tham gia những giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải sáng tạo nổi bật và giải khuyến khích năm 2021 của quỹ Hitachi toàn cầu dành cho GS. Lê Minh Thắng và TS. Nguyễn Thị Ngân. Năm 2022, GS. Lê Minh Thắng đạt Giải thưởng Kovalevskaia và là năm của những cú đúp, PGS. Đoàn Thị Thái Yên nhận giải thưởng Kova và giải khuyến khích của quỹ Hitachi toàn cầu. Ngoài ra thành viên của Chi hội cũng đạt được  các thành tích rất đáng khích lệ trong thời gian qua, như PGS.Trương Thu Hương nhận danh hiệu giảng viên tiêu biểu năm 2022 của Bộ GD&ĐT và giảng viên tiêu biểu của ĐHBK Hà Nội về thành tích công bố xuất sắc...

271767154_5100640186654406_6978927841156909352_n

Các nhà khoa học nữ Đại học Bách khoa Hà Nội lan tỏa tình yêu công nghệ qua các bài giảng đại chúng



Các nữ PGS trẻ có những đóng góp tích cực trong hoạt động của Chi hội cũng nhận được bằng khen và khích lệ từ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đây là những khởi đầu và động lực tốt đẹp để các nữ trí thức trong chi hội tiếp tục đăng ký các giải thưởng. Chị Hoàng Thu Hương nói vui: “Chúng tôi cứ nói với chị em là giao nhiệm vụ mỗi năm phải ít nhất một cô mang về 1 giải thưởng, giải thưởng có kinh phí càng tốt để còn đóng góp cho hoạt động hội!”

Một hoạt động nữa có thể nói là “đặc sản” của NTT Đại học Bách khoa Hà Nội, đó là chuỗi bài giảng đại chúng “Khoa học công nghệ và cuộc sống”. Các nữ giảng viên có “sân chơi nghiệp vụ” để đưa những kiến thức khoa học gần gũi tới cuộc sống cộng đồng và với chính các em sinh viên BK, các học sinh yêu thích khoa học kỹ thuật để thu hút sự quan tâm của các em với khoa học và những môn khoa học mà trường ĐHBK đào tạo. Trong năm 2022, đã có 7 bài giảng được thực hiện trực tuyến, tạo nên một hiệu ứng tích cực kết nối khoa học và thực tiễn. 

Mảng truyền thông tạo hình ảnh đẹp cho nhau trên cả kênh cá nhân lẫn báo chí luôn được Chi hội quan tâm. Trên Facebook của chi hội đến website của trường, và các cơ quan truyền thông đại chúng khác, các chị em luôn là tâm điểm chú ý bởi những hình ảnh thể hiện tài năng của chị em. Mỗi lần xuất hiện và nhận được hồi âm tích cực, chị em thấy tự tin hơn, thấy được những công việc mình làm cũng có sức lan tỏa và thật cần thiết cho xã hội, thấy mình cũng có năng lực “không kém ai”. Đó cũng là nguồn “sinh khí” để chị em có thêm năng lượng sống và làm việc. 

ngoc1278

Các nhà khoa học nữ Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội duyên dáng, rạng  ngời tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


Không chỉ chăm nhau cho hiện tại, các chị còn động viên nhau đóng góp cho sự nghiệp lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản các nhà khoa học cho thế hệ sau tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ngày 21/2/2023, 16 nhà khoa học nữ thuộc Chi hội NTT ĐHBK Hà Nội đã trao tặng 16 đơn vị tài liệu về hoạt động khoa học của cá nhân cho Trung tâm,thể hiện trách nhiệm xã hội của những trí thức chân chính. 

Nếu như được nói một điều ước, tôi cứ ước sao mình có thể quay lùi bánh xe thời gian 30 năm, và cũng có may mắn như nữ tiến sĩ mới về Bách khoa và các nữ trí thức khác của Chi hội NTT Bách khoa, được sống trong mái nhà hạnh phúc ấy.

Nguyễn Thị Trâm
Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.