PGS.TS Trần Ngọc Khiêm - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội khai mạc Hội thảo |
Đó là Giáo sư Susan Solomon đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ). Bà là nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển với những đóng góp mang tính đột phá giúp mở rộng hiểu biết của nhân loại về hiện tượng suy giảm tầng ozone và vai trò của chlorofluorocarbon (CFC) trong quá trình này. Các nghiên cứu của GS về lỗ thủng tầng ozone Nam Cực có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách môi trường toàn cầu. Đặc biệt GS. Solomon cũng là chủ nhân của giải Giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học nữ năm 2023 cho những đóng góp của bà đối với nền khoa học thế giới.
Và diễn giả thứ hai là Giáo sư Nguyễn Thục Quyên. Bà là nữ giáo sư gốc Việt hiện là Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ tại Đại học California, Santa Barbara (Mỹ), là một trong các tân viện sĩ vừa được bầu chọn là thành viên Viện hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ. Giáo sư Nguyễn Thục Quyên được các viện sĩ đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực này. Giáo sư Quyên là một trong bốn nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters (một tổ chức theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu) công bố năm 2015.
GS Susan Solomon phát biểu tại Hội thảo |
Với phong thái giản dị, cởi mở và gần gũi, GS. Solomon đã chia sẻ con đường trở thành một nhà khoa học nữ thành công, niềm đam mê từ sớm của bà với thế giới tự nhiên và chặng đường trở thành nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực Hoá học khí quyển. Giáo sư Solomon cũng đã trình bày chi tiết về tổng quan vấn đề suy giảm tầng ozone (thường được gọi là lổ thủng tầng ozone), quá trình nghiên cứu về lỗ thủng này song song với những suy tư và nghiên cứu của Giáo sư. Giáo sư Solomon đã có nghiên cứu thực nghiệm quan trọng tại Nam Cực, khẳng định cơ chế phản ứng của CFC với O3 trên tầng bình lưu (làm suy giảm tầng O3) cũng như các điều kiện gây ra phản ứng này. Kết quả nghiên cứu của Giáo sư là một trong những bằng chứng khoa học quan trọng góp phần đưa đến sự đồng thuận quốc tế trong việc hành động giải quyết vấn đề lỗ thủng tầng O3 mà tiêu biểu và quan trọng nhất là Nghị định thư Montreal.
Các diễn giả giao lưu với khán giả |
Bên cạnh những chia sẻ về mặt kiến thức, bài trình bày của giáo sư Solomon còn là câu chuyện truyền cảm hứng về vai trò của khoa học trong việc tạo nền tảng cho các quyết định quan trọng của các chính phủ để giải quyết vấn đề toàn cầu. Nghị định thư Montreal đã không chỉ giúp làm thay đổi cục diện của vấn đề lỗ thủng tầng ozone (các bằng chứng khoa học cho thầy sự "chữa lành" của lỗ thủng định kỳ hàng năm này) thông qua việc kiểm soát CFC ở quy mô toàn cầu mà còn giúp làm giảm mức phát thải khí nhà kính. Trong bài trình bày của mình, GS Solomon còn cho thấy vai trò của công đồng khi mà lượng tiêu thụ CFC đã giảm tại Mỹ trước cả thời gian lỗ thủng tầng ozone được xác nhận và nghị định thư Montreal ra đời ngay sau đó. Sự suy giảm lượng tiêu thụ CFC này là nhờ hàng triệu người dân Mỹ đã cảm thấy sự hợp lý trong "giả thiết" khoa học về sự suy giảm tầng O3. Đây là một ví dụ cho thấy cả vai trò của khoa học cơ bản và chính sách quốc dân trong việc ra các quyết định vì giá trị "bền vững" của nhân loại.
GS Nguyễn Thục Quyên chia sẻ tại Hội thảo |
Còn GS Nguyễn Thục Quyên là một người tích cực đóng góp vào sự phát triển của giáo dục và khoa học công nghệ tại Việt Nam thông qua các hoạt động kết nối giữa các nhà khoa học Mỹ và trên toàn cầu với các nhà khoa học trong nước.
Hiện giáo sư Nguyễn Thục Quyên là đồng chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture (từ năm 2021).
GS Nguyễn Thục Quyên đã kể về quá trình nghiên cứu của một đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó ở Việt Nam, di tản sang Mỹ năm 21 tuổi và trở thành một nhà khoa học tầm cỡ thế giới với những nghiên cứu hàng đầu về tấm pin mặt trời từ vật liệu hữu cơ. GS. Quyên đã chia sẻ không chỉ các kiến thức mà cả những ý tưởng, phương pháp tiến hành nghiên cứu và "giấc mơ" tạo ra những tấm pin mặt trời trong suốt để có thể dán lên các cửa kính ở các tòa cao ốc tận dụng trực tiếp nguồn bức xạ mặt trời, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, đóng góp cho hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu của nhân loại.
Sinh viên hào hứng kết nối với nhà khoa học |
Dáng người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn, nụ cười tươi tắn của GS Thục Quyên khi chia sẻ về con đường đến với Hóa học xanh của mình cũng là một tác nhân truyền cảm hứng khoa học mạnh mẽ cho các bạn trẻ.
Tại hội thảo, chi hội Nữ trí thức Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng giới thiệu với GS Solomon và GS Thục Quyên về những nghiên cứu khoa học và các thành tựu của nữ trí thức Đại học Bách Khoa Hà Nội. Các GS đã bầy tỏ sự quan tâm đến các hướng nghiên cứu của nữ trí thức Đại học Bách Khoa Hà Nội và cảm ơn Đại học Bách Khoa Hà Nội và chi hội nữ trí thức đã mời các GS tới chia sẻ những kinh nghiệm khoa học của mình tới các bạn trẻ nhiệt huyết và tài năng của ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Cả hai bài trình bày của GS Solomon và GS Thục Quyên đều đã thể hiện rõ vai trò của nghiên cứu cơ bản, dù là thuần túy lý thuyết khoa học hay là thiên về công nghệ vật liệu mới. Cả hai nghiên cứu đều nói lên một điều, rằng giá trị của các nghiên cứu khoa học nhiều khi không thể “đong đếm” một cách cơ học hay “ăn xổi” được, mà giá trị của nó nằm ở tính bền vững, lâu dài. Đây cũng là một thông điệp mà hai nhà khoa học nữ đến từ Mỹ muốn truyền tải đến các bạn sinh viên Bách khoa. Như PGS.TS Trần Ngọc Khiêm – Phó Giám đốc ĐH Bách khoa HN, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, đã nói về hội thảo này khi chào đón hai học giả: “Đây là cơ hội để các sinh viên Đại học Bách khoa, các nhà nghiên cứu trẻ kết nối với hai nhà khoa học nữ nổi tiếng và được họ truyền cảm hứng để tiếp tục tạo ra sự đột phá và đổi mới, hướng tới tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh”.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
GS.TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam (Ngoài cùng, bên trái) cùng các đại biểu Hội Nữ trí thức Việt nam tham dự hội thảo |
Các nhà khoa học Việt-Mỹ chụp ảnh kỷ niệm |
GS Solomon thăm trung tâm xúc tác Việt - Đức và nhóm nghiên cứu của GS Lê Minh Thắng. |
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.