Nhờ trí tuệ và tài năng nổi bật, nhiều nhà khoa học nữ Việt Nam dã có những thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc và được vinh danh, nhận giải thưởng cao quý trên thế giới, mở ra cánh cửa cơ hội phát triển trong sự nghiệp.
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Giải thưởng L'Oreal 2019
PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân, nhà khoa học nữ nhận giải thưởng năm 2019 với đề tài nghiên cứu pin nhiên liệu sử dụng năng lượng tái tạo, đã chia sẻ: “Đối với đội ngũ nhà khoa học nữ ở Việt Nam, ngoài vai trò của người phụ nữ trong gia đình thì ngọn lửa đam mê trong việc cống hiến cho khoa học và công nghệ ngày càng được thể hiện nhiều hơn. Giải thưởng L’Oreal - UNESCO For Women in science là một giải thưởng hiếm hoi dành riêng cho nhà nghiên cứu nữ, nó như một cánh cửa mở ra cho tôi nhiều cơ hội phát triển trong sự nghiệp.
Năm 2020, với những thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân đã được Tạp chí Khoa học Singapore xếp hạng thứ 23/100 Nhà khoa học tiêu biểu châu Á và trở thành nhân vật truyền cảm hứng của Chương trình Vũ khúc ánh sáng - Countdown 2021 của Đài truyền hình Việt Nam.
Trần Thị Hồng Hạnh - Giải thưởng L'Oreal 2019
Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Hóa sinh Biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được trao Giải thưởng L'Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019.
Trong công trình nghiên cứu của mình, TS. Trần Thị Hồng Hạnh và cộng sự đã sử dụng phương pháp sắc ký để tách chiết, phân lập, xác định các hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học từ các nguồn dược liệu, đồng thời sử dụng phương pháp sắc ký vân tay để xác định hàm lượng các hoạt chất từ đó làm cơ sở để đánh giá chất lượng dược liệu được sử dụng. Việc sử dụng các phương pháp sắc ký kết hợp với thiết bị, công nghệ hiện đại đã giúp quá trình nghiên cứu được thực hiện nhanh, chính xác, cho độ tin cậy cao góp phần nâng cao khả năng sử dụng các loại dược có nguồn gốc từ thiên nhiên một cách an toàn và hiệu quả.
Với hướng nghiên cứu này và phương pháp nghiên cứu hiện đại, tuy mới ở độ tuổi 40 song TS. Trần Thị Hồng Hạnh là tác giả, đồng tác giả của 39 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI, 8 công trình trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, là chủ sở hữu của 1 bằng đọc quyền sáng chế. Chị cũng đã chủ nhiệm 2 đề tài cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, 2 đề tài cấp cơ sở được nghiệm thu xuất sắc. Đây kết quả xuất sắc mà nhiều nhà khoa học hằng ước mơ, đặc biệt là các nhà khoa học nữ
Phạm Thị Thu Hà - Giải thưởng L'Oreal 2019
Phạm Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu di truyền và giống, Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là chuyên gia về di truyền và giống của TĐT. Bà tham gia giải thưởng với đề tài nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại ĐBSCL. Nghiên cứu này tận dụng các công cụ nhân giống hiện đại, trong đó có lai chéo hỗ trợ đánh dấu (MAB), để phát triển các giống lúa chịu mặn có năng suất cao thích nghi với điều kiện ở miền Nam Việt Nam; được xây dựng dựa trên kiến thức thu được có liên quan đến việc kiểm soát di truyền về khả năng chịu mặn ở lúa, để tăng tốc độ và hiệu quả phát triển các giống cải tiến.
Ngoài ra, TS. Phạm Thị Thu Hà còn xếp vị trí thứ 87 trong Top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020 do Tạp chí Asian Scientist (Singapore) bình chọn.
PGS. TS Trần Thị Lý - Giải thưởng Noam Chomsky
PGS.TS Trần Thị Lý, Đại học Deakin, Úc là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu.
PGS.TS Trần Thị Lý có nhiều nghiên cứu liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là các nội dung đổi mới giáo dục đại học Việt Nam nhìn từ phương diện quốc tế; mối tương quan giữa chương trình giáo dục đại học và thị trường lao động; khả năng làm việc của sinh viên mới tốt nghiệp; quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam...
Năm 2019, PGS.TS Trần Thị Lý từng được tạp chí Forbes Việt Nam công bố là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Cô cũng từng là giảng viên Đại học Huế, Việt Nam trước khi đến Australia.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và giảng dạy, PGS.TS Trần Thị Lý giành được hơn 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các hiệp hội quốc tế, quốc gia cho thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Cô cũng là nhà khoa học duy nhất của Australia trong lĩnh vực giáo dục từng được trao giải thưởng uy tín Nhà khoa học tiềm năng của Ban hỗ trợ nghiên cứu khoa học Australia.
GS.TS Nguyễn Thị Kim Thanh - Huy chương Rosalind Franklin
"The Rosalind Franklin Award and Lecture 2019" là giải thưởng hàng năm trao cho các nhà khoa học nữ nổi bật trên thế giới, tập trung vào các đóng góp nổi bật trong nhóm chủ đề STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) nhằm hỗ trợ các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu STEM.
Dự án của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh là đề xuất tổ chức trại hè khoa học để truyền cảm hứng và thúc đẩy các em học sinh lớp 8, chủ yếu là nữ, từ các gia đình nghèo ở London, chọn các môn khoa học tự nhiên cho chương trình GCSE (cấp hai).
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992, sau đó nhận học bổng nghiên cứu quốc tế ở Hà Lan và Anh, nơi bà lấy bằng tiến sĩ năm 1998.
Bà là giáo sư người Việt đầu tiên tại UCL, chuyên ngành vật liệu nano tại Phòng thí nghiệm UCL Nanomaterials Laboratory, đặt tại Viện Royal Institution và Nhóm sinh lý (biophysics), Khoa Vật lý và Thiên văn, Đại học University College London, Anh.
MẠNH HIỆP
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.