“Một bài tập các bạn giải trong 15 phút, tôi có thể mất đến một tiếng”, nhưng Nguyễn Thị Xuyến, tân thủ khoa Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, chưa bao giờ nản, “tôi làm tất cả chỉ để mỗi ngày mẹ có thể ngủ nhiều hơn một chút.”
Mẹ là động lực lớn
“Nhìn Xuyến trưởng thành, tôi mừng lắm, sướng lắm,” bao khó khăn khi một mình nuôi con gái khôn lớn bằng đồng lương ít ỏi từ nghề vệ sinh môi trường của cô Đinh Thị Nhan đã nhận lại kết quả xứng đáng.
Gia đình Xuyến gồm 4 người sống phụ thuộc vào mức lương 4 triệu/tháng, chưa kể tiền làm thêm giờ của cô Nhan. Dù nghèo, cô luôn ưu tiên dành tiền cho con học. Chưa bao giờ giáo viên phải nhắc nhở về học phí, vì mẹ luôn để riêng tiền học cho Xuyến từ đầu tháng.
Nuôi con ăn học một mình chẳng bao giờ là dễ dàng. Lên cấp 3, Xuyến bắt đầu phải đi học thêm buổi tối. Trên đường đi học về, Xuyến phải tự đi qua một đoạn đường xuyên cánh đồng không đèn và ít người qua lại. Lo lắng cho sự an toàn của con gái, cô Nhan xin chuyển từ công việc đêm sang làm vệ sinh công nghiệp. “Nghề môi trường hay phải làm ca đêm. Tôi xin nghỉ, sẵn sàng đưa đón con, từ đó con mới yên tâm mà học,” cô Nhan kể lại.
Ánh mắt của cô Nhan tràn đầy niềm tự hào nói về tinh thần tự học của Xuyến từ khi còn bé. Mẹ Xuyến chưa bao giờ phải giục con học. Có những đêm, Xuyến chỉ ngủ 3-4 tiếng, bởi bài chưa xong thì cô học trò chưa ngủ.
Hiểu được những khó khăn, vất vả của mẹ, Xuyến quyết tâm học, bởi cô cho rằng chỉ học tốt mới là cách duy nhất để mẹ tự hào và mọi người nhìn cô với con mắt khác.
Nhà vốn neo người, cũng chưa có ai trong gia đình từng học Bách khoa Hà Nội, Xuyến biết đến ngôi trường đại học này chủ yếu qua lời khuyên của các thầy cô giáo cấp 3. “Tôi được nghe kể về một môi trường học tập rất tốt, với thầy cô có chuyên môn cao và sinh viên giỏi,” Xuyến chiêm nghiệm. Cô nữ sinh cấp 3 ngày ấy quyết tâm thi đỗ Bách khoa Hà Nội.
Có người từng nói Xuyến sinh ra không có bố. Có người từng chê bai mẹ cô vì hoàn cảnh gia đình và công việc tạp vụ. Xuyến từng trải qua những ngày tháng học sinh chẳng có một người bạn. Biết vậy, nhưng Xuyến chọn cách im lặng. Nữ thủ khoa để thời gian trả lời cho những nỗ lực của bản thân.
Trong bài tri ân mẹ, Xuyến viết: “Con sinh ra chỉ có mình mẹ, mẹ dạy con chăm chỉ và tử tế. Cho đến hôm nay, mẹ sẽ không còn bị ai chê cười nữa đâu, vì con đã là thủ khoa rồi.”
Trời không phụ lòng người
“Học ở Bách khoa Hà Nội không khó. Khó thì làm nhiều sẽ thành dễ. Tôi chưa bao giờ nghĩ có môn nào khó đến nỗi mà học mãi, thi mãi không thể qua,” tân thủ khoa Viện Vật lý Kỹ thuật chia sẻ về kinh nghiệm chinh phục các môn học tại Trường.
Xuyến từng bật khóc sau khi kết thúc kỳ thi Đại số vì nghĩ rằng mình đã không thể vượt qua được môn học khó nhằn. Cô sinh viên năm nhất nhớ mãi hình ảnh một anh sinh viên khóa trên chạy đến và an ủi cô: “Em chăm thế thì sao trượt được. Trời không phụ lòng người đâu.” Câu nói đó như một triết lý học, gắn bó với Xuyến trong suốt quá trình gần 5 năm học tập.
Vì hoàn cảnh gia đình, Xuyến đi dạy từ sớm để trang trải học phí và phí sinh hoạt cho bản thân. Năm nhất, năm hai, mỗi tháng cô kiếm được một triệu đồng từ việc gia sư, Xuyến giữ một ít cho bản thân và phần còn lại gửi mẹ. Đến năm ba, Xuyến nhận công việc dạy học và bổ sung kiến thức cho nhóm học tập các môn đại cương. Cùng với tiền học bổng do thành tích xuất sắc, Xuyến đã có thể tự trả học phí của mình.
Những sinh viên Xuyến tiếp xúc chủ yếu là sinh viên năm nhất, năm hai chưa bắt kịp với cách học ở đại học. “Các bạn thường thiếu động lực học khi lên thành phố, hoặc còn chưa quen với môi trường và phong cách học này”, “cô giáo trẻ” tâm sự về những trường hợp học sinh của mình.
“Tôi từng gặp một bạn sinh viên đỗ vào trường với điểm số 29.5, nhưng học năm nhất lại trượt môn khá nhiều. Bạn xấu hổ vì trước đây vẫn luôn là niềm tự hào của gia đình và dòng họ. Vấn đề không nằm ở kiến thức, mà là ở tâm lý của các bạn,” Xuyến giải thích thêm.
Cô sinh viên Viện Vật lý Kỹ thuật luôn sát sao và tạo động lực cho các sinh viên khóa dưới qua những tâm sự gần gũi về gia đình, học tập và các vấn đề về cuộc sống. Theo Xuyến, trượt môn có thể học lại, thi lại, nhưng có những quyết định trong cuộc đời sẽ chẳng làm lại được. Cô vẫn thường nói với các bạn sinh viên nản chí, “về quê, nắm lấy bàn tay của bố mẹ, hãy nhìn và tự cảm thấy bản thân cần cố gắng hơn.”
Xuyến tin rằng gia đình chính là nơi khiến mỗi người rung động nhất.
Sĩ số lớp thường dao động khoảng 100 bạn. Trong lớp, Xuyến cố tạo một không khí thoải mái, môi trường cởi mở và xóa khoảng cách giữa các sinh viên bằng việc khuyến khích các bạn tham gia lớp học tích cực đặt câu hỏi.
Hơn ai hết, Xuyến hiểu được giá trị của đồng tiền, bởi một trăm nghìn với nhiều người không phải số tiền lớn, nhưng có thể là cả một ngày lương của bố mẹ ai đó. Vậy nên cô luôn tâm niệm, phải cố gắng với những gì làm được để đồng tiền của các bạn tham gia lớp không bị lãng phí.
Nhưng không phải đồng lương hay số lượng học sinh, mà chính những tình cảm của các sinh viên khóa dưới là điều khiến cô gái trẻ cảm động. “Nhiều bạn vẫn nhớ và nhắn tin cho tôi dù đã kết thúc khóa học sau 2-3 kỳ, đây là điều mà tôi tự hào nhất”, Xuyến tâm sự.
Bách khoa Hà Nội rèn luyện ý chí
“Bách khoa Hà Nội rèn luyện cho tôi tư duy và ý chí, những kỹ năng rất quan trọng cho công việc. Sinh viên Bách khoa Hà Nội không ngại khó, không ngại khổ, không giấu dốt”, Xuyến nhận thấy các công ty tuyển dụng rất thích Người Bách khoa.
Hiện nay, Xuyến đang làm việc tại Nissan Automatic Technology Việt Nam. Đối với tân kỹ sư, đến 90% mọi kiến thức đều mới mẻ. “Nhưng điều đó không quan trọng”, Xuyến nói, “đã có lần tôi tìm hỏi lãnh đạo có cấp quản lý cao nhất ở bộ phận để tìm câu trả lời mình muốn. Tôi không quan tâm sẽ hỏi ai, miễn là vấn đề của mình được giải quyết”.
Không chỉ chú trọng về đào tạo, Bách khoa Hà Nội luôn tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi cho sinh viên. Trong gần 5 năm tại Trường, nữ thủ khoa đã tham gia nhóm nghiên cứu của PGS. Chu Mạnh Hoàng với đề tài về hệ thống vi thấu kính ứng dụng trong khoa học y tế. Kết quả nghiên cứu được đăng trên báo cáo hội nghị quốc tế và sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.
Sau tốt nghiệp, Xuyến dự định xin học bổng để vừa học thạc sỹ trong nước, vừa đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cô gái can đảm ấy vẫn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết với nghiệp học, “tôi muốn học càng nhiều càng tốt. Nếu có điều kiện, tôi muốn học đến khi lìa đời.”
Cô hi vọng trong hai năm nữa có thể xây một ngôi nhà vững chãi cho mẹ. “Tôi lớn lên nhờ đôi bàn tay bị nước rửa vệ sinh ăn mòn”, Xuyến nói, “một người phụ nữ có khổ đến mấy thì họ vẫn luôn muốn dành những thứ tốt nhất cho con cái. Nên tôi muốn bảo vệ mẹ.”
Xuyến quan niệm, sự tử tế và chân thành mới là điều quan trọng nhất. Đối với tân thủ khoa Bách khoa Hà Nội, học vấn không hoàn toàn đánh giá quá trình phát triển của một con người. Cô hi vọng các sinh viên khóa dưới hãy cố gắng hết mình với những gì đã chọn, “biết khiêm nhường và chăm chỉ, các bạn sẽ đạt được những gì mong muốn.”
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.