hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Nữ giám đốc trẻ biến sâm dại thành tiền

19-09-2023
Nữ giám đốc trẻ ở tỉnh Nghệ An đã sản xuất thành công dòng mì sợi thuần hữu cơ (organic) đạt chứng nhận an toàn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) từ các loài rau, củ, đặc biệt là sâm cát (sa sâm).

Đưa mì làm từ rau củ tươi xuất ngoại

Tỉ mỉ kiểm tra vườn rau củ để ấn định thời gian thu hoạch cho từng giống cây, chị Đặng Thị Tâm - 40 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần An An Agri, ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - nói: “Thời gian này, chúng tôi đang tập trung sản xuất để kịp cho đơn hàng mì xuất khẩu sang Mỹ. Đơn hàng này gồm 1 container các loại mì, nhiều nhất là mì sâm cát”. Đây là đơn hàng xuất khẩu theo đường chính ngạch đầu tiên của chị sang thị trường Mỹ. 

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển, từ nhỏ, chị Tâm đã thấy cây sâm cát mọc hoang từng vạt trên những bãi cát. Chị cùng đám bạn thường nhổ sâm cát lên ăn sống như khoai hoặc mang về cho cha ngâm rượu. Năm 2015, khi quyết định nghỉ việc ở thành phố để về quê lập nghiệp, chị Tâm nghĩ ngay đến loài “sâm dại” này. Khoảng 20 năm trước, thương lái về tận nơi thu mua sâm cát để bán cho các công ty dược khiến loài sâm này hiếm dần.

Chị Đặng Thị Tâm theo dõi quá trình phát triển của sâm cát trong cánh đồng rau nguyên liệu

Chị Đặng Thị Tâm theo dõi quá trình phát triển của sâm cát trong cánh đồng rau nguyên liệu


Để hiện thực hóa giấc mơ đưa rau củ tươi ngon của xứ Nghệ vào những sợi mì theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, chị Tâm đi tìm cây sâm cát mang ra Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phân tích để tìm các hoạt chất có trong củ sâm. Chị cho hay, trong củ sâm cát, có chất saponin, chất diệp lục hiếm, vitamin K… Theo đông y, sâm cát giúp bồi bổ phổi, điều trị bệnh liên quan đến phổi. Khi đã chắc chắn sâm cát là loài cây thuốc quý, chị đem về vườn thuần dưỡng, nhân giống trên diện tích gần 10.000m2.

Theo chị Tâm, sâm cát là loài rất dễ trồng, chỉ cần có nắng và nhiệt độ thích hợp. Sau khi thu hoạch, chị rửa sạch củ sâm cát, gọt bỏ vỏ rồi nghiền thành bột để làm mì rồi làm khô sợi mì bằng công nghệ sấy lạnh, sấy phun để giữ nguyên mùi vị, giá trị dinh dưỡng. Năm 2019, chị Tâm tung ra thị trường loại mì lạ lẫm này. Chị nói: “Một số nơi đã dùng sâm cát để làm nước uống, nhưng chưa ai dùng để làm mì. Ban đầu, do quá lạ, mì sâm cát rất khó bán. Nhưng đến nay, nhiều người đã thích loại mì này”.

Ngoài mì sâm cát, hiện thương hiệu mì rau củ organic Anpaso của chị Tâm còn có nhiều sản phẩm mì khác làm từ củ của cải bó xôi, cải đỏ, dền, nghệ, từ hạt lúa mạch, được bán trên cả nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Nga, Úc… mang lại doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Các loài rau củ để làm sợi mì được canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ, đạt chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ về an toàn thực phẩm.

“Hiện doanh thu từ mì sâm cát chỉ đứng thứ ba, sau mì cải bó xôi và mì lúa mạch. Nhưng với tôi, đó là một thành công lớn. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng sâm cát để nghiên cứu, cho ra thêm các sản phẩm mới như cốm sâm cát, cao sâm cát, bánh sâm cát nhằm hướng đến nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn” - chị Tâm chia sẻ.

“Đánh thức” những loài cây quý

Theo ông Ngô Hoàng Linh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An - hàm lượng saponin trong sâm cát rất cao, không thua kém các dòng sâm khác, nhưng chưa nhiều người xem trọng sâm cát: “Giá trị của mọi loài sâm nằm ở hàm lượng saponin. Sâm cát có saponin hàm lượng cao, dễ trồng nhưng ít được chú ý đến. Chúng tôi đang thực hiện công trình nghiên cứu về loài sâm này”.

Chị Đặng Thị Tâm kiểm tra quy trình sản xuất sợi mì từ rau củ

Chị Đặng Thị Tâm kiểm tra quy trình sản xuất sợi mì từ rau củ


Theo ông Ngô Hoàng Linh, tỉnh Nghệ An có số lượng nguồn gen cây quý rất lớn và phong phú, trong đó có gần 1.000 loài cây thuốc, có giá trị dược liệu khác nhau. Đến nay, nhiều nguồn gen cây quý đã được nhân giống, chuyển giao cho doanh nghiệp làm thành sản phẩm lưu thông trên thị trường, như trà hoa vàng, trà giảo cổ lam, trà dây thìa canh, cao đương quy, đẳng sâm, rượu mú từn…

Ông cho hay, trong đề án "Bảo tồn, khai thác và phát triển các nguồn gen quý hiếm có giá trị của tỉnh Nghệ An phục vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025", Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã phân loại các nguồn gen cây quý hiếm thành nhóm để bảo tồn. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, khai thác nhóm gen cây trồng quý hiếm có thể phát triển thành hàng hóa, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, đem lại thu nhập cho người dân. 

Theo Phan Ngọc

(phunuonline.com.vn)

In bài viết
Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.