Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự có Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Nie KĐăm; Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; cùng 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ tôn vinh Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. Ảnh: Lâm Hiển |
Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam không thể thiếu đóng góp của trí thức
Lễ tôn vinh Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức định kỳ 5 năm 2 lần, có ý nghĩa như một hình thức thi đua yêu nước, thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với trí thức; đồng thời khích lệ và ghi nhận các cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu.
Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng, tin tưởng vào đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam không thể thiếu đóng góp của trí thức, đó là sự đóng góp rất quý báu, rất đáng trân trọng và tự hào.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao về những nỗ lực cố gắng, những kết quả nổi bật đã đạt được của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Đặc biệt, biểu dương 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu được vinh danh.
Các trí thức tiêu biểu là những tấm gương sáng
Trong số 135 trí thức tiêu biểu được vinh danh đợt này có 51 trí thức do các Liên hiệp hội địa phương để cử, 54 trí thức do các hội ngành toàn quốc đề cử, 28 trí thức do Hội đồng Xét chọn đề cử; 2 trí thức do Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam đề cử.
Trí thức cao tuổi nhất là GS.TS Trịnh Văn Tự, sinh năm 1929, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam. Trí thức trẻ tuổi nhất là TS. Nguyễn Văn Huống, sinh năm 1985, Phó Trưởng phòng Công nghệ môi trường, Viện Công nghệ mới, Bộ Quốc phòng.
PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm được vinh dánh tại buổi lễ |
Hội Nữ trí thức Việt Nam có 2 hội viên được vinh danh lần này là PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, Ủy viên Ban chấp hành Hội Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu và phát triển cây trồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS.Vũ Bích Hậu, Ủy viên Ban thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Đà Nẵng.
PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm phát biểu tại lễ tôn vinh |
PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm được biết đến là người bán bản quyền các giống lúa lai nhiều nhất Việt Nam. Chị đã tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất, chất lượng, đem tới những mùa vàng bội thu cho nông dân, đồng thời tạo ra hàng chục tỷ đồng cho nhà nước từ việc bán giống lúa, làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam. Tháng 6/2008, PGS.TS. AHLĐ Nguyễn Thị Trâm khiến cả giới khoa học "chấn động", khi chuyển nhượng thành công giống lúa lai hai dòng TH3-3 cho Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) với giá kỷ lục 10 tỷ đồng. Thông tin này đã tạo ra khích lệ lớn đối với ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giống. Đây cũng là giống lúa thích hợp với nhiều vùng khí hậu khác nhau, có thời gian sinh trưởng ngắn (105-125 ngày/vụ), năng suất cao (7- 8 tấn/ha), đặc biệt được sản xuất trong nước nên giá giống lúa TH3-3 phù hợp với túi tiền của người nông dân. Ngay sau khi được đưa tới tay người nông dân, giống lúa này đã được nhân rộng tới 60% diện tích sản xuất lúa lai trong cả nước, tạo công việc và tăng thu nhập cho hàng vạn lao động nông nghiệp.
Các trí thức tiêu biểu được tôn vinh |
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm là tác giả chính của hàng chục giống lúa có bằng sở hữu và chuyển nhượng bản quyền, như: Giống lúa lai TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH3-7; giống lúa lai CT 16; giống lúa thuần thơm Hương cốm 1, Hương cốm 4; giống lúa lai thơm TH6-6.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm được nhận giải thưởng Kovalepskaia năm 2001 và nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá về những đóng góp của mình cho nông nghiệp.
TS Vũ Bích Hậu trên sân khấu vinh danh |
TS.Vũ Bích Hậu được đánh giá là người có nhiều đóng góp cho công tác vận động, tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương. Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ , Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, TS Vũ Bích Hậu luôn quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ nữ trí thức có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng và góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tham mưu đề xuất với thành phố những chủ trương, chính sách phù hợp để hỗ trợ, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ nũ trí thức.
TS.Vũ Bích Hậu chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch thường trực Hội Nữ trí thức Việt Nam Phạm Thị Mỵ (thứ 2 bên trái), NSND Lệ Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Văn hóa nghệ thuật ( bên phải) và Chánh văn phòng Hội Nữ trí thức Việt Nam Nguyễn Thị Dự |
TS. Vũ Bích Hậu đã có 6 sáng kiến các cấp, trong đó có 1 sáng kiến được công nhận là sáng kiến có ảnh hưởng đối với phạm vi thành phố Đà Nẵng; chủ nhiệm và tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố, chủ nhiệm tiểu dự án chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan.v.v. Hiện nay, TS Vũ Bích Hậu đang làm chủ nhiệm 1 nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước: " Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố Đà Nẵng".
Cùng với các trí thức được tôn vinh tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và TS. Vũ Bích Hậu là những tấm gương sáng lan tỏa, truyền cảm hứng trong đơn vị công tác và trong trong toàn đội ngũ.
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.