hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Phát hiện một số loài nhện bắt mồi mới ứng dụng hiệu quả phòng trừ sinh học trên cây có múi tại các tỉnh Nam bộ

24-03-2024

Chủ nhiệm PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo hướng dẫn phân loại nhện bắt mồi bằng hình thái, mẫu được soi dưới kính hiển vi quét JSM-IT 200

Chủ nhiệm PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo hướng dẫn phân loại nhện bắt mồi bằng hình thái, mẫu được soi dưới kính hiển vi quét JSM-IT 200

Lần đầu tiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo và nhóm nghiên cứu Viện Sinh học nhiệt đới - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát hiện ba loài nhện bắt mồi mới hiện diện trên cây có múi tại các tỉnh Nam bộ. Ba loại nhện mới là Amblyseius eharai, Amblyseius lenis và Typhlodromus ndibu, trong đó, loài A. eharai có tiềm năng nhân nuôi sinh khối và được ứng dụng trong phóng thả phòng trừ các loài côn trùng, nhện hại trên cây có múi, phương pháp ứng dụng chưa từng được thực hiện tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên loài nhện bắt mồi A. eharai được nhân nuôi sinh khối với khối lượng lớn tại Việt Nam.

Tìm kiếm phương pháp tối ưu phòng trừ nhện gây hại trên cây có múi

Các loại cây có múi có nguồn gốc từ Đông Nam Á và được trồng vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên (Webber, 1967). Một số loài cây có múi chính là C. sinensis (cam), C. limon (chanh), C. reticulata (quýt) và C. paradisi (bưởi), những loài cây có giá trị kinh tế này là ký chủ nhiều loại nhện hại thuộc họ Tetranychidae và phần lớn các loài nhện này đều hiện diện trên cây có múi tại Việt Nam. Trong khi, phương pháp chủ yếu để phòng trừ loài nhện vẫn sử dụng các loại thuốc hóa học như Ortus 5 EC với hiện tượng quá liều, quá lượng. Điều này có thể làm xuất hiện quần thể nhện hại mới với khả năng kháng thuốc cao, giảm chất lượng nông sản, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường... Do vậy, việc tìm kiếm giải pháp mới vừa hiệu quả vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người là vấn đề cấp thiết. Phương pháp đấu tranh sinh học với việc sử dụng các loại nhện bắt mồi là giải pháp tối ưu đáp ứng nhu cầu nêu trên. Các loài nhện bắt mồi thuộc họ Phytoseiidae có trên hơn 1600 loài được phân bố trên khắp thế giới với ưu điểm là khả năng kìm hãm các loại nhện nhỏ hại cây trồng - dịch hại chính có khả năng kháng thuốc hóa học nhanh. Do đó, trong số nhiều thiên địch tự nhiên, nhóm nhện bắt mồi thuộc họ Phytoseiidae được coi là một trong những nhóm quan trọng nhất.

Nghiên cứu, ứng dụng thành công

Mặc dù trên các loại cây có múi canh tác ở Việt Nam nói chung và các tỉnh Nam bộ nói riêng đã xuất hiện khá nhiều nhóm nhện bắt mồi, nhưng hiện này chưa có nghiên cứu đầy đủ về những loài thiên địch có khả năng kìm hãm các loài côn trùng, nhện gây hại. Vì vậy, việc tiến hành điều tra, thu thập, phân loại và nghiên cứu các loài tiềm năng trong phòng trừ sinh học để tiến hành nuôi nhân tạo và phóng thả chúng ra ngoài tự nhiên để trừ nhện và côn trùng gây hại là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong khoa học và thực tiễn. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu tiến hành đề xuất và được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phê duyệt đề tài “Nhện bắt mồi (Acari: Phytoseiidae): tác nhân tăng cường và kiểm soát sinh học các loài nhện hại trên cây có múi” (mã số: KHCBSS.01/20-22). Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã định danh được 5 loài nhện bắt mồi hiện diện trên cây có múi ở các tỉnh Nam bộ là Amblyseius eharaiAmblyseius lenisAmblyseius obtuserellusTyphlodromus ndibu và Amblyseius polisensis, trong đó, lần đầu tiên 3 loài mới được ghi nhận tại Việt Nam. Cả 5 loài mới định danh đều hiện diện ở mô hình canh tác VietGap và hữu cơ, trong khi ở mô hình canh tác truyền thống chỉ có sự hiện diện của 2 loài A. eharai và A. lenis. Nhóm nghiên cứu đã xác định mức độ đa dạng thành phần loài nhện bắt mồi họ Phytoseiidae bằng các chỉ số đa dạng giữa các tỉnh và giữa các mùa trong năm. Loài A. Eharai, loài phong phú nhất có tần suất hiện diện ở cả mùa mưa và nắng, ở các khu vực điều tra đều cao hơn các loài còn lại. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá khả năng tiêu thụ con mồi cái ở giai đoạn sinh trưởng và trưởng thành của loài nhện bắt mồi A. eharai thu thập được trên cây có múi. Theo đó loài P. citri là con mồi ưa thích hơn đối với nhện bắt mồi A. eharai. Từ đó, các nhà khoa học đã xây dựng được quy trình nhân sinh khối loài nhện bắt mồi tiềm năng (1 trong 5 loài thu thập được) là A. eharai với nguồn thức ăn thay thế là trứng Artermia franciscana, có thể dùng con mồi tự nhiên (nhện đỏ) làm nguồn thức ăn bổ sung trong quá trình nhân nuôi sinh khối. Những con cái đã qua giao phối có thể được bảo quản tốt nhất ở điều kiện nhiệt độ 5ºC, ẩm độ 95%, tối hoàn toàn trong thời gian 30 ngày.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm quy trình phòng trừ sinh học trên vườn bưởi da xanh

Nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm quy trình phòng trừ sinh học trên vườn bưởi da xanh

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một nghiên cứu ứng dụng các loài nhện bắt mồi bản địa để phòng trừ các loại côn trùng và nhện hại trên cây có múi. Qua nghiên cứu, nhóm đã xác định được tỷ lệ phóng thả thích hợp giữa nhện bắt mồi A. eharai và vật mồi T. urticae là 1:4, tỷ lệ phóng thả thích hợp giữa nhện bắt mồi A. eharai và vật mồi P. citri là 1:3. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, sử dụng thuốc trừ sâu hóa học hoặc phóng thả nhện bắt mồi A. eharai đơn thuần hoặc phóng thả nhện bắt mồi A. eharai kết hợp với thuốc trừ sâu sinh học đã khống chế được nhện hại P.citri. Loài nhện bắt mồi A. eharai sau khi phóng thả có thể hình thành quần thể tốt trong điều kiện tự nhiên. Qua quá trình đánh giá hiệu quả kinh tế của các phương pháp phòng trừ, các nhà khoa học đã khẳng định rằng: Việc phóng thả thiên địch một cách đơn lẻ hoặc phóng thả thiên địch kết hợp với thuốc trừ sâu sinh học đã mang lại hiệu quả trong việc quản lý côn trùng, nhện hại trên cây bưởi góp phần nâng cao lợi nhuận kinh tế cho nông sản và bảo vệ môi trường. Từ những thành công của đề tài, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu điều kiện nhân nuôi tối ưu để xây dựng quy trình nhân nuôi hoàn chỉnh, ứng dụng sản xuất lượng lớn loài nhện bắt mồi A. eharai để phòng trừ côn trùng và nhện hại cây trồng trong tương lai.

Một số hình ảnh nhân sinh khối, bảo quản và tồn trữ loài nhện bắt mồi A. eharai

Phát hiện một số loài nhện bắt mồi mới ứng dụng hiệu quả phòng trừ sinh học trên cây có múi tại các tỉnh Nam bộ

Phát hiện một số loài nhện bắt mồi mới ứng dụng hiệu quả phòng trừ sinh học trên cây có múi tại các tỉnh Nam bộ


 


 Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

CHU THỊ NGÂN - TRUNG TÂM THÔNG TIN - TƯ LIỆU XỬ LÝ TIN: MINH TÂM

Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.