hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Tin tức về Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất

05-12-2013

Trong hai ngày 19, 20-11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất với chủ đề “Phát huy vai trò và tiềm năng trong sự nghiệp phát triển cộng đồng và đất nước”. Hội nghị do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Trung Ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Hội nghị đã tiến hành 3 phiên Hội thảo chuyên đề về các chủ đề: “Chia sẻ mô hình hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn trong tập hợp Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài”; “Kết nối nữ doanh nhân và trí thức trong và ngoài nước”; “Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tham dự và có bài tham luận tại phiên Hội thảo chuyên đề 3 “Kết nối nữ doanh nhân và nữ trí thức trong và ngoài nước”. Bài tham luận mang tên “Liên kết đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm”, bài trình bày (ở dạng Power Point) gồm các phần sau:

1.  Giới thiệu Hội Nữ trí thức Việt Nam;

2.  Giới thiệu dự án “Nữ trí thức với sở hữu trí tuệ và nghiên cứu khoa học”, nhằm hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nữ trí thức.

3.  Đề xuất những vấn đề có thể hợp tác giữa nữ trí thức với nữ doanh nhân trong và ngoài nước.

Sau đây là toàn văn bài tham luận của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tại Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, chuyên đề 3 “Kết nối nữ doanh nhân và nữ trí thức trong và ngoài nước”:

Liên kết đẩy mạnh nghiên cứu khoa học  phát triển Công nghệ và thương mại hóa sản phẩm

(Tham luận tại diễn đàn Nữ Trí thức và Nữ Doanh nhân do TƯHLHPNVN và UB người VN ở nước ngoài phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 20 tháng 11/2013, chuyên đề 3)

                                                       GS.TSKH Phạm thị Trân Châu

                                                      Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam)

Kính thưa các vị khách quý,

                 các chị, các bạn và các em thân mến,

      Trước hết thay mặt Hội Nữ trí thức Việt Nam (HNTTVN), tôi xin gửi đến các vị khách quý, các vị đại biểu những lời thăm hỏi thân thiết nhất, lời chúc sức khỏe và thành đạt trong công việc, hạnh phúc và thành công trong sứ mệnh là người PN trong gia đình.

       Tất cả chúng ta có mặt hôm nay, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù họat động ở các ngành nghề, các lĩnh vực khác nhau: nghiên cứu khoa học, dạy học hay kinh doanh …., dù ở các cương vị khác nhau nhưng cũng đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung, góp phần xây dựng đất nước. So với nhiều PN khác, chúng ta ít nhiều cũng là những PN may mắn và thành đạt? Tùy thuộc vào vị trí họat động, mỗi người đều có những kinh nghiệm riêng, hy vọng trong cuộc giao lưu khởi đầu này chúng ta sẽ hiểu nhau hơn, thu thập được những bài học bổ ích trong cuộc sống, công việc và tiếp tục nhân lên trong bạn bè, đồng nghiệp của chúng ta.

   Sau đây tôi xin phép được phát biểu một số ý kiến cụ thể của một người nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu ở trường Đại học Tổng hợp trước đây, nay là Đại học quốc gia Hà Nội và hiện đang đảm nhiệm các công việc của HNTTVN.

 1. Trong thời đại ngày nay, rất ít tìm thấy những công trình nghiên cứu khoa học không có định hướng ứng dụng hoặc phục vụ thực tiễn nói chung. Điều này không chỉ thấy ở nước ta mà ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, Nhật, và các nước Châu Âu cũng vậy.

Trong điều kiện khoa học phát triển nhanh, cạnh tranh lớn, đòi hỏi chất lượng sản phẩm nghiên cứu ngày càng cao, nhưng một trong các tiêu chí của chất lượng sản phẩm chính là khả năng ứng dụng nhanh vào thực tiễn, hiệu quả kinh tế do sản phẩm đem lại. Do đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp liên kết không chỉ giữa các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, mà cả với các doanh nghiệp ngay trong quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm.

 Điều này chắc nhiều chị ở nước ngòai cũng thấy rõ, ở nhiều nước phát triển các doanh nghiệp lớn thường tìm kiếm, "săn lùng" các kết quả nghiên cứu mà họ thấy có nhiều ứng dụng, đem lại lợi nhuận cao. Họ không chỉ tiếp thu thành tựu nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu mà còn trực tiếp tổ chức đầu tư cho các đề tài nghiên cứu mà họ thấy rõ triển vọng nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc tạo ra sản phẩm mới. Thậm chí họ còn đầu tư kinh phí cho nghiên cứu ngay khi nó còn chưa chính thức "trình làng". Ví dụ đối với những nghiên cứu các chất trích chiết từ các nguyên liệu tự nhiên có họat tính kháng khuẩn hay các chất có triển vọng sử dụng trong điều trị các bệnh hiểm nghèo.

Vì vậy mà mỗi GS ở trường đại học, thường cũng đồng thời gắn bó với một công ty họat động trong lĩnh vực liên quan đến chuyên môn của mình, như các công ty sản xuất dược phẩm, chế phẩm sinh học.

Những năm gần đây, ở nước ta cũng đã có sự liên kết này và cũng đã đem lại kết quả mặc dù chưa nhiều. Có một số nhà khoa học tự thành lập công ty để sản xuất và kinh doanh sản phẩm nghiên cứu của mình, một số cũng thành công, nhưng cũng không ít trường hợp gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm trên thương trường. Ví dụ ngay từ việc định giá sản phẩm đã không lường hết được những chi phí cần thiết để tiếp thị và đứng vững trên thương trường.

Thực tế này đã làm tăng nhu cầu liên kết, phối hợp giữa nhiều ngành, nhiều đơn vị khác nhau, phối hợp với các doanh nghiệp để nhanh chóng biến các ý tưởng hay sáng tạo thành các sản phẩm được thực tiễn kiểm chứng và không bị chậm trễ trong cạnh tranh.

2. Một số nhà khoa học Việt Nam qua quá trình nghiên cứu nhiều năm, từ nghiên cứu cơ bản hướng đến ứng dụng cũng đã tạo ra được sản phẩm được ứng dụng trong thực tế, phục vụ đời sống thường ngày của nhân dân, giảm bớt khó khăn trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh. Hầu hết các nhà khoa học nữ, các tập thể nữ đã được nhận giải thưởng Kovalepskaia, giải thưởng PN VN đã làm được điều này. Một số chị còn tạo được các sản phẩm không những tiếp cận thị trường trong nước mà cả ở các nước phát triển (như sản phẩm Crilla từ cây trinh nữ hòang cung, hoặc chuyển giao công nghệ, giống lúa cho cả các nước khác).

Gần đây, (bắt đầu từ năm 2009), quỹ học bỗng L'Oreal-UNESCO dành cho các nữ TS dưới 40 tuổi, cũng đã tài trợ cho các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học Sự sống và khoa học Vật liệu, cập nhật các xu hướng  nghiên cứu hiện đại, có thể phát triển lâu dài, có triển vọng ứng dụng rộng rãi, hiệu quả phục vụ xã hội lớn.

3. Những năm gần đây, nhiều nữ trí thức trẻ, nhất là các bạn được đào tạo ở các nước có nền khoa học phát triển đã có nhiều công trình là đồng tác giả với các GS, các đồng nghiệp nước ngòai đã được đăng trên các Tạp chí quốc tế có uy tín khoa học lớn hay đã được báo cáo ở nhiều hội nghị khoa học quốc tế.

Sau khi về nước vẫn giữ được sự hợp tác tốt với các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế trong khu vực và thế giới, tiếp tục phát triển được đề tài tại VN, là cầu nối tốt để phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của các Viện, trường đại học và các đơn vị khác.

Nhờ chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế của Nhà nước ta, nên nhiều nữ trí thức tham gia các hội nghị khoa học quốc tế, tham gia vào các tổ chức khoa học quốc tế, đã có được quan hệ tốt xin được kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy nghiên cứu mới. Đã mời được các nhà khoa học nổi tiếng kể cả những GS được giải thưởng Nobel tham gia giảng bài, đọc báo cáo khoa học.

Một số hội nghị, hội thảo toàn quốc đã có sự phối hợp tốt giữa các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học VN ở nước ngòai, kiều bào tham gia vào ban tổ chức/chủ trì hội nghị, hội thảo. Sự liên kết này đã đem lại kết quả tốt về nhiều mặt đối với cán bộ khoa học trong nước cũng như các đồng nghiệp VN ở nước ngòai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác giữa các Hội khoa học của VN với các Hội quốc tế tương ứng, tạo cơ hội tốt cho các đồng nghiệp giao lưu quốc tế. Thực tế cho thấy các nhà khoa học VN ở nước ngòai khi được mời đã đóng góp rất tích cực, tận tâm và có hiệu quả (ví dụ: Hội nghị tòan quốc về "Hóa sinh phục vụ Nông Lâm-Ngư nghiệp và Y tế năm 2008 và một số hội nghị khác).

Trên đây là những minh chứng cho một thực tế là sự phối hợp liên ngành giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngòai không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả đóng góp cho việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo trong nước mà còn tạo điều kiện để kiều bào có lòng với đất nước được thể hiện trong thực tế.

4/. Khó khăn phổ biến của các nhà khoa học VN là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của mình, vì đây không phải là sở trường của nhiều nhà khoa học! Cũng có một số nhà khoa học đã thành công trong việc đưa sản phẩm nghiên cứu của mình ra thị trường nhưng khá vất vả, phạm vi thương mại hóa cũng còn hạn hẹp. Đối với nữ trí thức còn phải bận nhiều việc gia đình thì kết quả lại càng hạn chế hơn.

Những năm gần đây Bộ Khoa hoc và Công nghệ tổ chức hội chợ khoa học công nghệ (TechMart) cũng đã hỗ trợ được một phần cho các nhà khoa học có cơ hội thương mại hóa sản phẩm khoa học. Tuy nhiên các nhà khoa học còn cần tăng cường chủ động hơn nữa trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình cho xã hội, và cũng cần có sự tiếp tay nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp.

Hội Nữ trí thức Việt Nam trong năm 2013 được sự hỗ trợ kinh phí của Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ và chương trình hỗ trợ sáng tạo khoa học Công nghệ Việt Nam-Phần Lan đã thực hiện dự án truyền thông (gồm 12 số), phát sóng trên truyền hình, trên báo điện tử, trên trang web của Hội Nữ trí thứ Việt Nam (hoinutrithucvietnam.org.vn) nhằm tạo cơ hội giao lưu trực tiếp giữa nữ trí thức và doanh nhân, quảng bá các sản phẩm nghiên cứu có kết quả và có nhu cầu thương mại hóa của các nữ trí thức Việt Nam. Tuy nhiên các kết quả cuối cùng vẫn phải do sự cố gắng, tích cực của nữ trí thức và trông chờ vào nhiệt tình tiếp tay của các doanh nhân. Sự vào cuộc, đồng hành của các doanh nghiệp dù ở giai đọan nào trong quá trình phát triển sản phẩm cũng là bước đi có tính chất quyết định trên con đường "vạn dặm" thương mại hóa sản phẩm.

Đề xuất hợp tác:

ØMời các chị tham gia vào các đề tài nghiên cứu của nữ trí thức Việt Nam về “vai trò, vị trí của Nữ trí thức đối với sự phát triển xã hội bền vững”.

ØLàm cầu nối để mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế tương ứng.

ØCùng nhau xây dựng các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm như:

    - Khai thác, chế biến các chất có hoạt tính sinh học từ nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam,

    - Tạo các sản phẩm nông nghiệp an toàn,

    - Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu,

    - Phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, mở rộng thị trường.

Với tinh thần luôn đổi mới, tiếp cận những kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài trong quản lý, chúng tôi hy vọng Nhà nước ta sẽ có được những cơ chế thích hợp để tạo điều kiện kết nối trí thức trong và ngoài nước, giữa trí thức và doanh nhân.

Diễn đàn hôm nay cũng là một cơ hội tốt cho việc giao lưu giữa NTT Nữ doanh nhân trong và ngoài nước, là một khởi đầu tốt mà Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho chị em chúng ta, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại một khí thế mới cho việc hợp tác giữa chúng ta để đóng góp nhiều hơn cho xã hội, hòan thành tốt chức trách của những người PN được xem là có nhiều may mắn hơn các tầng lớp PN khác!

      Hãy luôn cố gắng để mãi là người PN thành đạt, hạnh phúc  có cuộc sống  hài hòa và luôn giữ mãi hình ảnh đẹp trong mắt mọi người!

Xin chân thành cám ơn Ban tổ chức diễn đàn hôm nay!

Xin trân trọng cám ơn

                                                     Hà Nội, ngày 8 tháng 11 năm 2013

 

 Trong phiên Hội thảo, cũng có nhiều bài tham luận được lưu ý, sau đây xin được trích bài tham luận khác cũng được lưu ý như bài của Kim-Do-Hoa Kỳ:  Bài học từ sách “LEAN IN – Phụ nữ, công việc và chí tiến thủ” của tác giả Sheryl Sandberg":

 Sheryl Sandberg là Tổng Giám đốc Điều hành (COO) của Facebook từ năm 2008. Ở tuổi 43, cô đã khẳng định mình, leo lên được một trong những vị trí cao nhất ở thung lũng Silicon – nơi được xem là thế giới của các quý ông và thành công của những phụ nữ là điều vô cùng hiếm hoi.

Cuốn sách đã nêu ra những bài học rất bổ ích và lý thú, rút ra từ chính bản thân tác giả.

Hãy hành động một cách tự tin – ngay cả khi bạn không chắc chắn. Hãy giả vờ và cho đến khi bạn làm được điều ấy. Tất cả vấn đề nằm ở sự tự tin, và bạn sẽ tin vào chính mình một cách dễ dàng hơn nếu bạn biết rằng mẫu người lý tưởng của mình cũng đã có những nghi ngại và đắn đo của riêng họ.

Hãy tự hỏi bản thân mình: “Bạn sẽ làm gì nếu bạn sợ hãi?”. Một ý chí để vươn xa hơn, và trở thành một nhà lãnh đạo từ thuở ban đầu sẽ đặt nền móng cho những cơ hội mai sau, lời khuyên của cô Sandberg dành cho nhũng người phụ nữ trẻ để có hoài bão và khát khao lớn hơn.

Khi tham dự một cuộc họp, hãy ngồi ở bàn họp, và mạnh dạn phát biểu ý kiến của mình. Cụm từ “Ngồi tại bàn họp” ở đây muốn nói đến những cuộc họp khi đàn ông được ngồi quanh chiếc bàn tròn lớn, và phụ nữ thường chọn ngồi ở chiếc ghế ở góc, ngay cả khi những người phụ nữ này nắm giữ những vị trí tương đương, hay thậm chí là quan trọng hơn.

Đừng đánh giá thấp bản thân bạn, hãy tự tin vào khả năng học tập và phát triển của chính bản thân mình.

Đấu tranh cho những gì chúng ta tin tưởng, thương lượng để đạt được những gì chúng ta thật sự xứng đáng. Khi bạn đã kiếm được công việc mà mình mơ ước – hay bạn quyết định sẽ làm, đừng chỉ đơn giản chấp nhận tất cả. Hãy thương lượng để đạt được mức lương bổng tốt hơn.

Đoàn kết sẽ giúp ta gặt hái được kết quả tốt.

Bước về phía trước.

Mạnh mẽ đứng lên.

“Hãy hoàn tất đi, đừng đợi hoàn hảo”

“Don’t leave before you leave” (Đừng từ bỏ cơ hội trước khi bạn thật sự nghỉ việc).

Những người phụ nữ Việt Nam, trước hết chũng ta phải luôn có ý thức tự động viên chính mình, tiếp đến là người chồng, những cô con gái, cháu gái, những người bạn bè cho đến những người đồng hành,v..v…để chúng ta có được tiếng nói chung. Như Sheryl đã chỉ ra rằng “Giúp đỡ những người phụ nữ khác cũng là  giúp đỡ chính bản thân mình”. Vị trí của người phụ nữ ở nơi làm việc, ngoài những yêu cầu phải nâng cao trình độ và trở nên tự tin hơn, còn phức tạp hơn nhiều hơn thế. Một nghiên cứu cho biết, thành công của nam giới thường đi đôi với sự đón nhận nồng hậu của mọi người, trong khi chuyện ấy hoàn toàn ngược lại đối với phụ nữ thành công, một người phụ nữ thành đạt thường không được mến mộ, ngay cả từ những người phụ nữ khác. Chúng ta – những người phụ nữ Việt Nam – phải chú tâm đến hiện trạng và tự thay đổi những quan điểm này. Chúng ta hãy tự hỗ trợ và đón nhận, thay vì chê bai (hay tệ hơn, là phá đám) thành công của những phụ nữ khác.

Buổi hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến tham luận của các Việt Kiều đến từ nhiều nước với nội dung đa dạng, phong phú và sâu sắc, hướng về quê hương đất nước như:

-    Hãy hướng về Việt Nam bằng cách bước ra thế giới (Bà Nguyễn Thị Bích Yến – Kiều bào Áo);

-    Phát huy tiềm lực Nữ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (Tiến sỹ Lương Thị Bạch Vân – Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc TP. HCM, chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM)

-    Lực lượng phụ nữ trong phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường sống (Bà Nguyễn Thị Mỹ - Kiều bào Úc)

-    Kết nối Phụ nữ tri thức và doanh nhân vì sự phát triển của đất nước và sự tiến bộ của phụ nữ (Bà Nguyễn Minh Châu – Tổ chức Đông Tây Hội ngộ)

-    Kết nối phụ nữ doanh nhân và trí thức trong và ngoài nước (Bà Vũ Thị Mai Liên – Kiều bào Nga, Hội người Việt Nam tại LB Nga)

Phụ nữ kiều bào hỗ trợ hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, quảng bá văn hóa Việt Nam (Bà Phạm Huệ Anh – Kiều bào Mỹ)…

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng Hội nghị chuyên đề “Kết nối nữ doanh nhân và nữ trí thức trong và ngoài nước” đã thực sự trở thành diễn đàn có ý nghĩa, là cơ hội quý giá để chị em phụ nữ trong và ngoài nước, nữ doanh nhân và nữ trí thức được gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để tạo ra sự liên kết mới, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, vì sự phát triển của đất nước Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng.

Tin và bài: Mai Hương

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:

 

 

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam với các nữ trí thức và nữ doanh nhân trong và ngoài nước tại Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (Ảnh: Mai Lan)

 
Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.