hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Vì một nền nông nghiệp sinh học bền vững ở Việt Nam

24-09-2013

 

VÌ MỘT NỀN NÔNG NGHIỆP SINH HỌC BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM 

Hội Nữ trí thức Việt Nam- Ban Khoa học và Công nghệ

 

       Trong nông nghiệp, các kỹ thuật chọn tạo giống truyền thống như lai tạo, chọn lọc thuần hóa đã được loài người sử dụng hàng ngàn năm để tạo ra các giống cây trồng có những đặc tính nông sinh học riêng biệt phù hợp cho điều kiện canh tác ở mọi nơi. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần nhiều thời gian, trải qua nhiều thế hệ mới có được giống cây trồng mới mang những tính trạng mong muốn và loại bỏ đi những tính trạng bất lợi. Công nghệ sinh học đã sử dụng kỹ thuật di truyền để biến đổi cây trồng bằng cách đưa trực tiếp những gen có giá trị vào bộ gen của cây nhận (kể cả gen của các loài không có quan hệ họ hàng) và nhanh chóng tạo ra giống cây trồng mới biến đổi gen mang những đặc tính mong muốn. Hiện nay cây trồng biến đổi gen đang được ứng dụng khá rộng rãi trên thế giới và có những đóng góp đáng kể trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng kháng sâu bệnh, hạ giá thành sản phẩm. Nhờ vậy diên tích trồng cây biến đổi gen không ngừng tăng lên qua các năm ở các nước phát triển như Mỹ, Argentina, Canada, Braxin, Trung Quốc...

 

     Ở Việt Nam, lĩnh vực nghiên cứu gây tạo cây trồng biến đổi gen đang tiếp cận và đầu tư để triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên theo nhận định của GS.TS Lê Trần Bình (Phát triển cây trồng chuyển gen ở Việt Nam, 2008) thì hiện nay và trong một thời gian dài nữa, Việt Nam đã và sẽ còn là nước nhập khẩu các sản phẩm công nghệ sinh học hiện đại là chính. Tuy chưa có cơ quan nào thống kê, đánh giá đầy đủ tình trạng các giống cây con biến đổi gen, số lượng vi sinh vật lạ, các sản phẩm của chúng được sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm đã nhập vào Việt Nam. Do chúng ta chưa có văn bản pháp lý để quản lý thống nhất trên cả nước nên các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, bảo quản, sản xuất, xuất nhập khẩu vật phẩm biến đổi gen hoặc sản phẩm, phụ phẩm của chúng đang trôi nổi tự do, không thể quản lý hay kiểm soát được. Mặc dù ta chưa tạo được cây chuyển gen ở qui mô thương mại và sản phẩm biến đổi gen chưa nhiều, nhưng ở nước ta hiện nay đang tồn tại một số cây trồng chuyển gen như cây bông chuyển gen cry (gen mã hóa protein tinh thể độc tố diệt côn trùng của vi khuẩn bacillus thuringensis), ngô chuyển gen kháng thuốc trừ cỏ, kháng sâu đục thân...Trên thương trường còn lưu hành một số sản phẩm biến đổi gen: ngô, khô dầu đậu tương là thành phần trong thức ăn chăn nuôi có chứa một tỷ lệ sản phẩm biến đổi gen nhất định, hoặc nhiều thức ăn chế biến sẵn nhập từ nước ngoài như thịt, trứng, sữa v.v..., cũng có thể là sản phẩm của cơ thể sống biến đối gen. Để giúp bạn đọc phụ nữ là người mà hàng ngày phải lo toan bữa ăn cho gia đình có hiểu biết đầy đủ về vấn đề này, Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ ra loạt bài với hy vọng cung cấp những thông tin đa chiều giúp cho bạn đọc phụ nữ có cách nhìn nhận khách quan, trung thực, đa chiều về lợi ích và hiểm họa tiềm ẩn chưa bộc lộ đầy đủ do thời gian và điều kiện nghiên cứu còn hạn hẹp.

 

BÀI 1. Cây trồng biến đổi gen và sản phẩm biến đổi gen 

 

* Cây trồng biến đổi gen (Genetical Modifie Crop: GMC) là cây mang một hoặc nhiều gen lạ được đưa vào thay vì lai hữu tính để tạo tái tổ hợp gen rồi chọn lọc theo phương pháp truyền thống. Kỹ thuật chuyển gen cho phép cùng một lúc có thể đưa vào một giống những gen mong muốn từ những sinh vật sống khác nhau không chỉ của những loài có quan hệ họ hàng gần. Vì vậy phương pháp này cho phép đưa ra giống mới nhanh hơn với nhiều tính trạng mong muốn. GMC được tạo ra thông qua một quá trình hoàn toàn nhân tạo được gọi là “kỹ thuật di truyền”. Các gen quan tâm được phân lập và chuyển vào cá thể nhận gen bằng 2 nhóm phương pháp:

 

(1) Chuyển gen trực tiếp hay biến nạp trực tiếp DNA bằng tác nhân hóa học như polyethylene glycol (PEG), xung điện và “súng bắn gen” (gen cần chuyển được bao bọc bên ngoài bởi những hạt kim loại vô cùng nhỏ, những hạt này sau đó được đưa vào tế bào thực vật theo phương pháp lý học. Một vài gen có thể bị thải loại và không gắn vào bộ gen của cây được biến nạp.

 

(2) Chuyển gen gián tiếp hay biến nạp DNA gían tiếp thông qua vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens mang gen mong muốn vào bộ gen của cây nhận.

 

- Với cách tạo vật liệu chọn giống hoàn toàn khác với phương pháp truyền thống và sự tiến hóa chung của các loài sinh vật như vậy thì bản thân “công nghệ gen” sẽ đem lại những sản phẩm biến đổi gen khác biệt với sản phẩm thông thường.

 

* Sản phẩm biến đổi gen có 2 loại

 

- Loại thứ nhất gồm những sản phẩm thu hoạch trực tiếp trên cây biến đổi gen (rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt) dùng trực tiếp làm lương thực, thực phẩm, dược phẩm cho người hoặc làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá...

 

- Loại thứ hai là những sản phẩm thứ cấp thu được thông qua sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá...được nuôi bằng sản phẩm GMC, gồm: thịt, tôm, cá, trứng, sữa... Các sảm phẩm thứ cấp cũng được dùng làm thực phẩm, dược phẩm cho người.

 

Trên thế giới có một số quốc gia (Châu Âu, Nhật Bản...)bắt buộc phải dán nhãn trên sản phẩm biến đổi gen mới được lưu hành trên thị trường, trong khi một số quốc gia khác không khuyến khích việc dán nhãn. Gần đây tại Việt Nam, một số chuyên gia nước ngoài còn đề nghị dùng tên “Cây trồng sinh học” thay cho tên gọi “Cây trồng biến đổi gen”  (báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 7/1/2013 kể rằng “ những tường rào cách ly, những hố chôn, tiêu hủy sản phẩm GMC sau khảo nghiệm, những quy trình nghiêm ngặt để khỏi thất thoát ra ngoài đã tạo ra nỗi sợ hãi cho cộng đồng rằng cây trồng sinh học là một thứ gì đáng phải đề phòng, đáng sợ trong khi đó, sản phẩm cây trồng sinh học được nhập vào Việt Nam ồ ạt cả chục năm nay để làm thức ăn gia súc, thậm chí làm thức ăn cho người thì chẳng ai đả động gì. Đem câu chuyện ấy cùng trò chuyện với ông SaLim M. Bootwalla-Giám đốc kỹ thuật-dinh dưỡng gia súc-Tổ chức đậu nành Mỹ, ông gật gù công nhận và khuyên rằng: “Việt Nam không nên dùng thuật ngữ cây trồng chuyển gen mà dùng cây trồng sinh học để tránh những sự lo ngại thái quá trong dư luận, xã hội. Ở Mỹ, các nữ trại chủ không bao giờ muốn chồng mình trực tiếp đi phun thuốc trừ sâu kể cả bằng máy bay”.

 

 BÀI 2. Lợi ích và hiểm hoạ  của việc sử dụng cây trồng biến đổi gen

 

1/ Lợi ích

 

- GMC là giống cây trồng mới mang một hay nhiều gen hữu ích do con người tìm ra ở những giống, những loài...rồi phân lập, nhân và chuyển vào giống mong muốn nên có thể cho năng suất cao vượt trội, chất lượng tốt, hoặc có khả năng chống chịu cao với điều kiện bất lợi như: Chịu hạn, chống sâu bệnh, kháng thuốc trừ cỏ, bảo quản được lâu, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, hoặc có thể làm thuốc chữa bệnh cho người, góp phần tăng sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực, tăng lợi nhuận, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thuốc trừ sâu, trừ cỏ, tránh ô nhiễm môi trường, nhờ vậy có thể giảm giá thành sản xuất mạng lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành nông nghiệp.

 

- Đến nay, các nước phát triển đã tạo ra một số giống GMC được trồng trên diện rộng như: Đậu tương kháng thuốc diệt cỏ, có hàm lượng axit oleic cao; Ngô kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu đục thân; Khoai tây kháng sâu, kháng virus, giầu tinh bột; Khoai lang kháng bạc hà; Cải dầu kháng thuốc diệt cỏ, axit oleic cao; Bông kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu; Cà chua chín chậm, chịu mặn, chất lượng cao; Bí kháng virus khảm dưa hấu; Đu đủ kháng virus gây bệnh đốm vòng; Lúa “gạo vàng” chứa ß-caroten chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, Lúa không bạc bụng, kháng bệnh bạc lá và một số giống cây biến đổi gen khác.

 

- Diện tích trồng các giống biến đổi gen tăng nhanh, trên thế giới hiện có 29 nước trồng cây biến đổi gen. Sản phẩm của các giống cây trồng biến đổi gen: Một số làm thức ăn gia súc giúp cho ngành chăn nuôi đạt được những tiến bộ đáng kể, bông chuyển gen Bt phục vụ cho công nghiệp dệt, cây rừng lớn nhanh, kháng sâu ăn lá.

 

Vì những lợi ích nêu trên nên tiếp cận và khai thác công nghệ tiên tiến này là hoàn toàn cần thiết đối với mỗi Quốc gia, tuy nhiên tùy theo điều kiện của mình mà mỗi nước cần cân nhắc, lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, kỹ thuật và điều kiện sinh thái, môi trường cụ thể của mình.

 

2/ Hiểm hoạ 

 

Bên cạnh những ưu điểm nổi trội nêu trên thì GMC còn tiềm ẩn những hiểm hoạ đáng được quan tâm sâu sắc vì đến nay, thế giới vẫn chưa có kết quả nghiên cứu đầy đủ và đánh giá chính xác mối quan hệ giữa cây trồng biến đổi gen với tất cả các loài thực vật hoang dại, các cây trồng khác, các loài động vật ăn cỏ, côn trùng tham gia thu phấn, vi sinh vật trong đất, nước, nguồn nước ngầm, môi trường sống của muôn loài và sức khoẻ của cộng đồng. Một số hiểm họa đã được phát hiện như sau:

 

- Sản phẩm của gen là protein, có thể trong quá trình chuyển gen hữu ích đã vô tình đưa những chất gây dị ứng cho người sử dụng, hoặc làm giảm dinh dưỡng trong thực phẩm, hoặc khi đoạn ADN mới đưa vào (insert)  có thể sản sinh các hiệu ứng tương tác làm thay đổi cấu trúc ADN, người ta đã quan sát thấy 2-4 % điểm đột biến trên AND của cây biến đổi gen. Các đột biến trong phân tử ADN có thể làm thay đổi cấu trúc ARN, dẫn đến thay đổi cấu trúc bậc I, cấu trúc không gian protein. Sự thay đổi cấu trúc, đặc biệt là cấu trúc không gian protein làm thay đổi đáng kể họat tính sinh học của protein, có thể gây hiệu quả nghiêm trọng (có thể nêu ví dụ điển hình về hậu quả của sự biến đổi cấu trúc protein sau đây: một protein có tên là Prion (PrPc) bình thường vẫn tồn tại trong tế bào, khi thay đổi cấu trúc không gian tạo thành dạng không bình thường ký hiệu là PrPsc, gây bệnh bò điên hay còn gọi là bệnh xốp não).

 

Sự thay đổi cấu trúc phân tử protein cũng làm thay đổi khả năng kết hợp với các nhóm khác trong quá trình sau dịch mã (postranslation modification) do đó làm tăng thêm nhiều protein có cấu trúc khác với protein của tế bào bình thường trong tự nhiên, hậu quả là làm thay đổi hoặc ảnh hưởng đến nhiều quá trình trao đổi chất trong tế bào. Những sự thay đổi trên có thể là lý do khiến cho trâu, cừu ở Ấn Độ chết khi ăn cây bông chuyển gen Bt; Công nhân làm việc trong vùng trồng bông chuyển gen Bt bị dị ứng làm biến đổi màu từng vùng trên da. Những chất không mong đợi do giống cây chuyển gen sinh ra cần có thời gian đánh giá xác định, không thể nóng vội đưa vào chuỗi sản phẩm sử dụng cho người và động vật.

 

- Khả năng phát tán những gen biến nạp trong cây trồng biến đổi gen sang họ hàng hoang dại thông qua giao phấn tự nhiên đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhiều nhà khoa học cho rằng sự giao phấn tự nhiên sẽ có thể tạo ra “siêu cỏ” kháng các loại thuốc trừ cỏ hoặc làm giảm hiệu lực nhiều loại thuốc trừ cỏ nên phải dùng thuốc trừ cỏ liều cao sẽ hủy hoại môi trường. Sử dụng nhiều thuốc cỏ hơn dẫn đến phát sinh nấm bệnh trên cây nhiều hơn, giảm hàm lượng chất khoáng trong nông sản và gây hại cho vi khuẩn có ích.

 

- Sâu bệnh có nguy cơ tăng cường tính kháng với các chất độc tiết ra từ cây chuyển gen, tạo nên những quần thể sâu biến dị có khả năng ăn giống cây biến đổi gen sau một thời gian nhất định. Một nghiên cứu tại Anh năm 2006 công bố rằng: quần thể sâu đục thân nuôi trên giống lúa Bt thế hệ đầu chết gần hết, một vài con sót lại đẻ rất ít, tuy nhiên sau 30 vòng đời thì hậu thế của chúng đã phát triển và sống bình thường trên lúa Bt, chỉ sau 30 thế hệ sâu nghĩa là chỉ mất khoảng 3-4 năm đã sinh ra một loại sâu đục thân mới kháng thuốc rồi! Loại sâu này sẽ gây tổn hại cân bằng sinh thái đã tồn tại bền vững bao đời nay và sẽ hủy diệt các loại cây bản địa, các giống địa phương đã từng nuôi bao nhiêu thế hệ chúng ta.

 

- Nguy cơ những chất độc sinh ra trong GMC sẽ có thể tác động tới sinh vật không phải là sinh vật cần tiêu diệt (trong đó có thể cả động vật và người).

 

- Công nghệ gen cho phép con người xóa bỏ gianh giới giữa các giống, các loài, tạo ra các giống cây trồng mới với một số gen hữu ích mong muốn. Tuy nhiên, khi đưa các giống biến đổi gen mới vào sản xuất, người nông dân sẽ chỉ sử dụng các giống mới này để thu được năng suất cao, việc đó vô tình đã làm xói mòn dẫn đến hủy hoại nguồn gen các giống bản địa (một tài sản đa dạng vô cùng quí báu được di truyền trong tự nhiên), tạo ra sự đồng điệu sinh học trong nghề trồng trọt. Phá vỡ cân bằng sinh thái được hình thành từ hàng triệu năm tiến hóa nhờ phát sinh những biến dị thích ứng. Mặt khác, khi một gen mới được tạo ra thì nó sẽ tồn tại như một thực thể của tự nhiên không thể loại bỏ nếu như phát hiện thấy dấu hiệu bất lợi cần loại bỏ.

 

- Sản phẩm của cây trồng biến đổi gen đưa vào sử dụng cho chăn nuôi gia súc, làm thực phẩm cho người đến nay bắt đầu hé lộ những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến một số bệnh gây tổn thương trong dạ dầy, ảnh hưởng đến tỷ lệ vô sinh, cân nặng và sức khỏe của thế hệ sau của những con chuột ăn ngô biến đổi gen, xuất hiện một số bệnh ung thư ở người... Những tác hại này tuy chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng bước đầu đã có một số bằng chứng ghi nhận tác hại do thực phẩm biến đổi gen gây ra. Jeffrey M. Smith phó giám đốc Viện nghiên cứu công nghệ có trách nhiệm Mỹ (Executive director of the Institute for Responsible Technology) đã thu thập bằng chứng và tổng kết những phát hiện bất lợi ở cây trồng biến đổi gen (đậu tương, ngô, bông, cải dầu) để viết 2 cuốn sách “Những hạt giống lừa gạt” (Seeds of deception) và “Canh bạc gen” (Genetic Roulette) nhằm cảnh báo với thế giới về những nguy cơ có thể dẫn đến thảm họa khi đưa sản phẩm biến đổi gen vào sử dụng.

 

BÀI 3. Lựa chọn cách tiếp cận cho cây trồng biến đổi gen vào Việt Nam

 

Là nước Nông nghiệp nghèo với 70% dân số làm nghề nông, đất trồng trọt hẹp, một năm trồng 2-3 vụ các loại cây khác nhau trên cùng một diện tích đất, không có những vùng rộng lớn chuyên trồng một loại cây (ngô, đậu tương, bông) và là một trong 5 nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam phải chọn cách tiếp cận với GMC một cách thông minh: “không đi tắt đón đầu” như đã làm với một số công nghệ mới khác. Để có cơ sở cho phương pháp tiếp cận với GMC, một số vấn đề sau cần được phân tích, đánh giá thận trọng:

 

1/ Ai sáng tạo, làm chủ công nghệ và giống biến đổi gen?

 

Có thể khảng định rằng, đến nay hầu hết những nghiên cứu về gen và tạo giống GMC đều được tiến hành ở các nước phát triển, chủ yếu là Bắc Mỹ và Tây Âu. Gần đây nhiều nước đang phát triển cũng bắt đầu những nghiên cứu về kỹ thuật di truyền như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin...Tại các nước phát triển, các công ty Công nghệ sinh học đã đi đầu trong việc nghiên cứu tách chiết, nhân gen và ứng dụng kỹ thuật biến đổi gen vào nông nghiệp, đó là: Monsanto, Aventis, Dow Agro-Sciences, DuPont/ Pioneer và Syngenta. Đây là những Công ty xuyên Quốc gia nắm bản quyền chủ yếu về các giống lai của cây lương thực, cây thực phẩm, rau, hoa, cây thức ăn gia súc, thuốc BVTV, các hóa chất diệt cỏ trong đó có cả chất độc màu da cam, đồng thời nắm bản quyền hầu hết các gen dùng để chuyển nạp, các phương pháp,  dụng cụ, hóa chất chuyên dụng phục vụ cho việc nghiên cứu gen và tạo giống GMC với lợi nhuận kinh tế kếch sù. Thêm nữa Monsanto còn là công ty sản xuất thuốc diệt cỏ chất độc da cam lớn nhất thế giới  đã từng nói dối về tác hại của chất độc da cam lại tuyên bố sản phẩm biến đổi gen của họ là an toàn.

 

2/ GMC có phù hợp với những quốc gia đang phát triển không?

 

+ Ở các quốc gia thường xuyên không đủ lương thực, giá lương thực ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của đại bộ phận dân chúng thì lợi ích tiềm tàng của GMC là không thể phủ nhận. Ví dụ các nước châu Phi, nơi có rất nhiều dầu mỏ, họ có thể bán dầu để mua giống GMC cho nông dân trồng mà không cần tạo giống GMC trong nước.

 

+ Hoặc những loại lương thực được tăng cường hàm lượng dinh dưỡng có thể không cần thiết ở các nước đủ lương thực nhưng lại rất cần trong việc giảm nạn đói, nạn thiếu dinh dưỡng ở những nước thiếu đói, ví dụ lúa “gạo vàng” chứa ß-caroten giầu vitamin A chống suy dinh dưỡng cho trẻ em cần cho châu Phi mà chưa thật cần thiết cho Việt Nam vì chúng ta có nhiều sản phẩm thay thế chứa nhiều ß-caroten giầu vitamin A như gấc, cà chua, ớt, đu đủ, khoai lang...có thể cung cấp vitamin A, hơn nữa chúng ta là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, cần giữ cho lúa gạo của Việt Nam thậtsạch và an toàn.

 

- Các nước đang phát triển (gồm cả Việt Nam) chưa đủ khả năng để đánh giá an toàn sinh học của GMC một cách khoa học vì thiếu chuyên gia sinh học giỏi, thiếu trang thiết bị tốt để kiểm soát độc lập hiểm họa tiềm ẩn của GMC. Thiếu chuyên gia kinh tế giỏi để đánh giá giá trị, thiếu nhà quản lý giỏi có khả năng điều chỉnh theo định hướng triển khai an toàn và chưa có thiếu hệ thống luật pháp đủ mạnh để khuyến khích hoặc trừng phạt những ai phạm luật. Chỉ khi luật pháp và những thể chế điều chỉnh được ban hành đầy đủ thì mới có những đường lối chính xác để hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn những hiểm họa do GMC gây ra.

 

3/ Việt Nam cần lựa chọn cách tiếp cận nào ?

 

- Công nghệ biến đổi gen cần chi phí vật chất rất lớn, trang thiết bị rất hiện đại, cần đội ngũ các nhà khoa học giỏi và đồng bộ, cần các nghiên cứu viên và kỹ thuật viên trung thực, tận tụy. Trong khi Việt Nam là nước nghèo, trang thiết bị, vật liệu, hóa chất, phương pháp nghiên cứu phải nhập khẩu 100%, mà khi đi nhập thường hay mua phải công nghệ lạc hậu thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ tiếp thu công nghệ cần  được đào tạo đồng bộ, toàn diện về lý thuyết, thực hành và triển khai. Vì vậy trước mắt chúng ta phải chọn cách đi tuần tự và thận trọng, không nên đi tắt đón đầu để tránh sự lệ thuộc triền miên vào các Công ty nước ngoài về giống GMC mà nông dân hàng vụ phải đi mua giống để trồng hoặc Nhà nước phải bỏ tiền mua gen cho các Viện nghiên cứu trong nước tạo giống bán cho nông dân.

 

- Liên hệ với cách tiếp cận công nghệ lúa lai đã “đi tắt đón đầu” từ năm 1991 đến nay có thể rút kinh nghiệm cho việc lựa chọn cách tiếp cận công nghệ biến đổi gen một cách chính xác. Năm 1990, nông dân vùng biên giới Việt Trung gieo cấy lúa lai Trung Quốc, thu được năng suất vượt trội, Bộ Nông nghiệp cho nhập hạt giống lai của Trung Quốc khảo nghiệm cho năng suất cao. Từ đó, Bộ cho phép nhập hạt F1, Nhà nước trợ giá để nông dân mở rộng sản xuất. Khi nông dân thấy tác dụng tốt của lúa lai (năng suất cao, chất lượng phù hợp, thời gian sinh trưởng ngắn...) họ phát triển rộng hơn thì nước ngoài tăng giá hạt giống lúa lai, nhà nước lại “trợ giá” bằng tiền ngân sách. Trong khi đó không đầu tư đúng mức cho nghiên cứu tạo giống trong nước, khi các nhà chọn giống trong nước tạo được giống mới đưa vào sản xuất phải cạnh tranh không bình đẳng với các Công ty giống nước ngoài, vì giống trong nước không có tiền trợ giá của ngân sách, và hàng vụ lại vẫn phải đi mua hạt F1của các Công ty nước ngoài, giá cao và bị lệ thuộc. Việc nhập hạt giống và công nghệ lúa lai là hoàn toàn cần thiết nhưng cách tiếp cận như đã làm tưởng như là nhanh vì “đi tắt đón đầu”, nhưng thực tế lại rất chậm vì đã hơn 20 năm, Việt Nam mới tự tạo được khoảng 20 giống mới, và tự sản xuất hạt F1 đáp ứng được 20-25% nhu cầu.

 

Nếu ngay từ đầu, chọn cách đi thận trọng: Đầu tư đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật thật tốt, đầu tư kinh phí thỏa đáng cho nghiên cứu chọn tạo giống mới,  xây dựng vùng sản xuất hạt lai F1 để cung cấp cho nông dân thì đến nay có thể công nhận được nhiều giống lúa lai mới phù hợp với Việt Nam hơn. Nhưng vì chúng ta triển khai nghiên cứu tạo giống trong nước sau khi mở rộng sản xuất bằng giống của nước ngoài nên đã tạo cho nông dân thói quen dùng hàng ngoại, các Công ty giống ngại sản xuất giống mà chỉ đi mua về bán ăn chênh lệch của ngân sách trợ giá, đồng thời không khuyến khích nhà khoa học say sưa chọn tạo giống phục vụ nông dân

 

- Cách tiếp cận công nghệ biến đổi gen cần được rút kinh nghiệm từ công nghệ lúa lai. Muốn tiếp thu công nghệ biến đổi gen, cần phải trả lời các câu hỏi sau đây:

 

1/ Liệu công nghệ biến đổi gen có phải là giải pháp hữu hiệu nhất để nuôi thế giới và liệu nó có tạo ra một nền nông nghiệp bền vững, giúp con người ứng phó với biến đổi khí hậu hay không?

 

2/ Tại sao chúng ta không tận dụng nội lực để khai thác hết thế mạnh của những cây trồng đang xuất khẩu: gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, các loại quả, rau, hoa quả ? Tại sao chúng ta không đẩy mạnh công tác chọn tạo giống vật nuôi mới phù hợp với việc sử dụng sản phẩm lúa gạo thay cho việc nhập khẩu ngô, đậu tương trong chăn nuôi ?

 

3/ Trồng những giống GMC (ngô Bt, ngô kháng thuốc cỏ, bông Bt...) trên diện rộng sẽ ảnh hưởng thế nào đối với những nông sản mà chúng ta đang xuất khẩu?

 

4/ Việc nhập giống GMC của các công ty nước ngoài có giúp các nhà công nghệ sinh học Việt Nam đẩy nhanh tiến độ phát hiện gen hữu ích mới, phân lập, nhân gen để tự tạo ra giống GMC cung cấp cho nông dân hay không ?

 

5/ Các giống GMC trong nước khi ra đời liệu có khả năng cạnh tranh về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu với giống GMC của các Công ty nước ngoài không ?

 

6/ Sản phẩm thu từ giống GMC liệu có thể đưa vào chuỗi thực phẩm cung ứng cho đời sống ? Độ an toàn cho động vật và người của các thực phẩm này thế nào?

 

7/ Sử dụng giống GMC có ảnh hưởng gì đến giá cả thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam không ?

 

8/ Nếu chúng ta mua giống ngô Bt của các Công ty Mỹ cho nông dân trồng, họ sẽ bán sản phẩm cho ai và ở đâu? Nhà nước hay các công ty bán ngô Bt sẽ mua hạt thương phẩm ?

 

4/  Lựa chọn đối tượng cây trồng để tạo giống GMC ở Việt Nam

 

- Với những hiểm họa đã được cảnh báo nêu trên thì Việt nam cần lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp, những giống lúa, ngô, đậu tương, bông, củ cải, cà chua, khoai tây, rau dùng trong chuỗi thực phẩm, trước mắt nên đưa vào nhóm kiêng kỵ biến đổi gen. Các đối tượng này chỉ nên nghiên cứu giải quyết công nghệ gen trong phòng thí nghiệm cho đến khi có những kết quả nghiên cứu toàn diện chắc chắn về độ an toàn. Khi các nhà làm công nghệ sinh học Việt Nam hoàn toàn chủ động tạo ra được giống GMC phục vụ đại trà đáp ứng được yêu cầu sản xuất thì khảo nghiệm để phát triển.

 

- Những gống GMC cho hạt, chất bột hay tinh dầu để sản xuất xăng sinh học hoặc những giống cây rừng để trồng rừng phòng hộ, làm nguyên liệu gỗ, giấy, cao su, làm nhiên liệu có thể nghiên cứu biến đổi gen vì nó không ảnh hưởng đến hệ thống sống của con người, vì lương thực hay thực phẩm biến đổi gen sẽ rất khó được chấp nhận khi mức sống cùng với sự hiểu biết của người dân ngày càng nâng cao.

 

5/ Những kiến nghị  

 

- Với khả năng tạo ra những giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, công nghệ tạo giống GMC cũng như các giống GMC đã được trồng ở nhiều nơi trên thế giới có vai trò không thể phủ nhận. Tuy vậy vẫn còn tiềm ẩn những hiểm hoạ chưa được làm sáng tỏ. Để giải quyết những vấn đề này thì những kết luận thu được phải dựa trên những thông tin khách quan đáng tin cậy, có cơ sở khoa học, có đủ thời gian cần thiết để kiểm chứng.

 

- Tiếp nhận công nghệ biến đổi gen và mở rộng diện tích trồng GMC ở Việt Nam cần cân nhắc rất cẩn thận, đầu tư nghiên cứu toàn diện để phát hiện đầy đủ lợi ích và hiểm họa. Lựa chọn phương pháp tiếp cận thông minh: Tuần tự và thận trọng, không nên “đi tắt đón đầu” vì cần có thời gian để nghiên cứu phát hiện đầy đủ hơn những hiểm họa tiềm ẩn là mặt trái của công nghệ, đảm bảo cho nền nông nghiệp nước nhà an toàn bền vững và không bị lệ thuộc. Trước mắt, chúng ta hoàn toàn có khả năng tập trung nội lực nghiên cứu phát triển các cây lương thực, thực phẩm có lợi thế, đồng thời tập trung đầu tư để nâng cao giá trị xuất khẩu của lúa gạo, cà phê, rau, hoa, quả, thủy sản...bù cho việc nhập khẩu ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi và bông cho công nghiệp dệt. Đầu tư nghiên cứu tạo giống hoặc nhập giống GMC dùng làm nhiên liệu, để sản xuất xăng sinh học hoặc để trồng rừng làm nguyên liệu gỗ, giấy, cao su nhưng phải đảm bảo các quy định về an toàn sinh học, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và sinh vật.

 

- Vì tầm quan trọng của lương thực thực phẩm cho con người, nên các chính sách liên quan tới GMC sẽ phải dựa trên những cuộc tranh luận cởi mở và trung thực có sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội.

 

                                                                                                                    PGS.TS Nguyễn Thị Trâm

 

Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.