hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Bách khoa có “nữ chiến binh” giải cứu môi trường nước

03-03-2022

Học Bách khoa, mà… không có bằng Bách khoa!

Ngay từ hồi còn học phổ thông, cô bé Hoàng Thị Thu Hương hay đạp xe qua đường Giải Phóng, rẽ vào cánh cổng Parabol, chạy xe dọc hàng trúc đào với mơ ước sẽ có ngày là một phần của ngôi trường này. Để năm 1989, nữ sinh Thu Hương đăng ký thi vào ĐH Bách khoa và đỗ với điểm số cao.

Vinh dự có tên trong danh sách được chọn đi du học ở Liên Xô, đó là khoảng thời gian vô cùng tươi đẹp đặt nền móng vững chắc cho cả sự nghiệp sau này của chị. Trở về nước, bắt đầu công việc đầu tiên trong lĩnh vực môi trường, chị thấy mình cần phải bổ sung thêm kiến thức bên cạnh nền tảng Kỹ sư Công nghệ Hóa học và một lần nữa Đại học Bách khoa Hà Nội lại là lựa chọn của chị. Đây chinh là nơi chị đã gặp những cây đại thụ trong ngành kỹ thuật môi trường, đặc biệt là GS. Đặng Kim Chi, người thầy đã có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến con đường đi sau này của chị. Nhưng cũng chỉ khoảng hơn một học kỳ, cô học viên Hoàng Thị Thu Hương nhận được học bổng của Chính phủ Úc cho chương trình Thạc sỹ Ứng dụng trong Đất và Nước. Sau này chị Thu Hương trở về ĐH Bách khoa tiếp tục làm nghiên cứu sinh và với mong muốn được tiếp thu các kiến thức từ nước ngoài để về ứng dụng tại Việt Nam, chị giành được học bổng của Chính phủ Bỉ, để nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm môi trường nguồn nước tại Việt nam.

airtalk-5-768x512

Nhìn lại quãng đường đi học, nghiên cứu, chị Thu Hương nói vui mình học Bách khoa mà… không có bằng Bách khoa. Nhưng mái trường này đã cho chị nhiều cơ hội quý giá. Dù chỉ trải qua 2 kì học Cao học ở ĐH Bách khoa nhưng sự tận tụy, nhiệt huyết với công việc của các thầy cô trong trường đã truyền cảm hứng, nung nấu trong chị mong muốn được trở thành một cô giáo, được đi dạy, được truyền cảm hứng cho các sinh viên. Chính vì động lực ấy, ngay khi học xong Thạc sỹ ở Úc, chị xin về trường công tác từ năm 2001 tới nay.

Quan điểm dạy học: “Sóng sau phải cao hơn sóng trước”

Có cơ hội học tập nhiều ở các nước tiên tiến, chị Thu Hương cũng có quan điểm hiện đại trong dạy học. Cô luôn nhắc sinh viên rằng các thầy cô không phải lúc nào cũng là những người giỏi nhất và đúng nhất. “Nếu như chỉ các thầy cô giỏi và các em không bao giờ vượt qua các thầy thì đấy là sự thất bại của giáo dục. Các em phải giỏi hơn thầy cô và tin vào điều đấy. Với nền tảng được trang bị, các em phải tự mình tiếp cận với kiến thức mới, công nghệ mới, tiên tiến hơn, vượt trội hơn đang được phát triển hàng ngày. Như thế mới chứng minh được thành công của hoạt động đào tạo tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội! Sóng sau phải cao hơn sóng trước!” – Chị Thu Hương khẳng định.

Mặc dù bận rộn với công việc giảng dạy nhưng mỗi năm, PGS.TS Thu Hương luôn dành thời gian và sự tâm huyết cho những công trình nghiên cứu khoa học của mình. Quan điểm của chị là giảng viên phải nghiên cứu khoa học, để bài giảng được cập nhật thông tin, để không bị lặp lại chính mình. Nên cho đến bây giờ, sau gần 20 năm đứng trên bục giảng, chưa bao giờ chị hết ý tưởng nghiên cứu khoa học. Hầu như năm nào chị cũng có sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, được chị truyền lửa đam mê, tự tin để độc lập theo đuổi các nghiên cứu về môi trường. Và các lớp sinh viên ấy luôn được tạo những điều kiện tốt nhất để tiếp tục học tập, nghiên cứu, phát triển sự nghiệp ở trong và ngoài nước, với sự tự tin và niềm tự hào là bước ra từ mái trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

mg_9028-768x512

Ngay từ những ngày học tập tại Úc, chị Thu Hương dù tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ Hóa học nhưng đã quyết định rẽ sang tìm hiểu về hệ sinh thái. Chị chia sẻ: “Tôi cảm thấy tác động của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người là vấn đề thu hút tôi nhiều hơn và dần dần, tôi hướng sự quan tâm của mình sang nghiên cứu sâu hơn về tác động đến hệ sinh thái nước, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trong đó và ảnh hưởng tới sức khỏe của con người ra sao”.

Là một chuyên gia nghiên cứu về môi trường, chị Thu Hương luôn có suy nghĩ “Tôi thấy thương những đứa trẻ, có những vùng mà gần như đứa trẻ nào cũng phải chịu hậu quả từ môi trường ô nhiễm. Ví như có làng hoa trồng hoa rất đẹp nhưng tỉ lệ dị tật trẻ em lại rất cao. Bởi hàng ngày họ tiếp xúc với môi trường nước, môi trường không khí bị ô nhiễm. Tôi nghĩ mình đang làm nghiên cứu với một tâm thế của người mẹ. Những đứa trẻ không được quyền quyết định. Nếu người lớn không bảo vệ môi trường sống, những đứa trẻ – thế hệ sau – sẽ là người hứng chịu hậu quả” – PGS.TS Thu Hương tâm tư.

Bên cạnh đó, chị cũng dành nhiều thời gian để tham gia chia sẻ, giúp cộng đồng hiểu rõ và cùng tìm giải pháp cho những vấn đề nóng về môi trường tại Việt Nam. Tự nhận là ngươì yêu Hà Nội “cuồng nhiệt”, chị Thu Hương luôn rất tích cực tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế, tích cực tìm các giải pháp để “giải cứu” môi trường Thủ đô, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hồ Hà Nội.

hoang-thi-thu-huong_3-768x512

Vợ chồng đối lập!

Chia sẻ về gia đình nhỏ của mình, đôi mắt chị Thu Hương lấp lánh hạnh phúc. Câu chuyện chỉ toàn là tiếng cười và niềm tự hào khi kể về “ông chồng đồng nghiệp”!

Hóa ra “ngày xưa”, đôi vợ chồng trẻ không “phải lòng” ĐH Bách khoa Hà Nội cùng một lúc nhưng lại chọn ngôi trường kỹ thuật công nghệ số 1 Việt Nam làm bến đỗ cuối trong con đường sự nghiệp của mình. Chồng chị Hương công tác trong lĩnh vực năng lượng – một trong những ngành mà tạo ra ô nhiễm môi trường khủng khiếp nhất, còn chị lại chuyên “giải cứu môi trường”! Hai lĩnh vực tưởng chừng đối lập nhau nhưng hai vợ chồng lại bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Chị Thu Hương hạnh phúc nhận xét: Ông chồng tôi giờ nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, các giải pháp giảm ô nhiễm từ hoạt động sản xuất năng lượng… còn chuyên sâu hơn tôi!

img_4810-768x513

Tình yêu lớn với ĐH Bách khoa Hà Nội đã nâng niu, nuôi dưỡng đam mê nghề nghiệp của hai vợ chồng PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, hỗ trợ họ chung tay xây nên một môi trường mà trong đó ý thức của con người mới là điều kiện căn bản. Để họ truyền lửa cho bao thế hệ sinh viên biết trăn trở, đặt cho bản thân sứ mệnh làm việc gì cũng nghĩ đến việc làm cho môi trường sống tốt hơn.

Gia Hân – Hoàng Thị Hiếu

Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.