hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Giải pháp nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của nữ trí thức để phát triển đất nước

07-04-2023
"Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học để phát triển đất nước" là vấn đề được dư luận quan tâm.
 

Sáng 6/4, tại Hà Nội, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của Nữ trí thức để phát triển đất nước: Thực trạng và Giải pháp.

Toàn cảnh Hội thảo

 Toàn cảnh Hội thảo "Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của Nữ trí thức để phát triển đất nước: Thực trạng và Giải pháp”. Ảnh: Hoàng Toàn


Hội thảo có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương và hơn 100 đại biểu đại diện Hội Nữ trí thức Việt Nam từ nhiều cơ quan và địa phương trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định khoa học và công nghệ là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện nay, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước). Phụ nữ ngày càng có những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

 PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.


Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – đơn vị nghiên cứu hàng đầu cả nước về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ, là cái nôi nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng của không ít các nhà khoa học nữ đã vinh dự được nhận các giải thưởng cao quý. Không những tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng bổ nhiệm nhiều nhà khoa học nữ vào các vị trí lãnh đạo các Ban chức năng, Viện chuyên môn và các đơn vị trực thuộc. Việc đánh giá đúng, đặt trọng trách và tôn vinh các nhà khoa học nữ không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mà còn góp phần tạo cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục vươn lên trên con đường phát triển khoa học công nghệ” - PGS.TS Trần Tuấn Anh cho biết.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Vũ Thị Thu Lan, Phó trưởng Ban Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tập trung vào các thách thức và nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của Nữ trí thức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để phát triển đất nước. Trong đó, rào cản của việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong thực tiễn được xác định đến từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.


Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo (Từ phải qua trái): GS.TS Lê Thị Hợp,Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; PGS.TS Bùi Thị An,Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; PGS.TS Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Toàn

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo (Từ phải qua trái): GS.TS Lê Thị Hợp,Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; PGS.TS Bùi Thị An,Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; PGS.TS Trần Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Toàn 


Trong tham luận về “Vai trò và đóng góp của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng nhằm bảo vệ môi trường, giải pháp và kiến nghị”, GS.TS Đặng Kim Chi - (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) giới thiệu một số đề tài điển hình do các nhà khoa học nữ chủ trì đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ ở qui mô cấp quốc gia, cấp bộ ngành, cấp tỉnh thành phố, làm minh chứng cho những đóng góp của nữ trí thức vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm Bảo vệ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống của con người. Tuy nhiên, là một lĩnh vực có tính chất đa ngành, các nhà khoa học nữ theo đuổi Công nghệ Môi trường cũng gặp rất nhiều rào cản như: khả năng tập hợp được các nhà khoa học và cộng đồng cùng hướng về mục đích nghiên cứu, khó khăn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn và những khó khăn về kinh phí đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu bảo vệ môi trường và triển khai các công trình bảo vệ môi trường.


GS.TS Đặng Kim Chi trình bày tham luận
GS.TS Đặng Kim Chi trình bày tham luận "Vai trò và đóng góp của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng nhằm bảo vệ môi trường, giải pháp và kiến nghị”. Ảnh: Hoàng Toàn

 “Nhiều nữ chủ nhiệm đề tài gặp khó khăn khi đi liên hệ triển khai kết quả của đề tài vào thực tế ở một số địa phương vì nhận thức trọng nam khinh nữ vẫn còn rải rác ở nhiều địa phương, thiếu tin tưởng các nhà khoa học là nữ ở Việt Nam…” - GS.TS Đặng Kim Chi cho hay.

GS.TS Đặng Kim Chi kiến nghị: Cần có chính sách để động viên khuyến khích tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học nữ tham gia nghiên cứu khoa học; Tăng mức đầu tư và ưu tiên cho các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia, cấp bộ, ngành, các tỉnh thành phố đông dân; đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường nói chung và cho các nhà khoa học nữ tham gia nghiên cứu khoa học bảo vệ môi trường; Tăng cường hợp tác quốc tế; tổ chức giao lưu, kết nối trao đổi các kinh nghiệm nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung và nghiên cứu khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường nói riêng nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có điều kiện hợp tác…

GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu đã trình bày tham luận về “Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất năng lượng sạch và sử dụng hiệu quả năng lượng”. Ảnh: Hoàng Toàn

GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu đã trình bày tham luận về “Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất năng lượng sạch và sử dụng hiệu quả năng lượng”. Ảnh: Hoàng Toàn


Tại Hội thảo, GS.TS Vũ Thị Thu Hà – Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu đã trình bày tham luận về “Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất năng lượng sạch và sử dụng hiệu quả năng lượng” và chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng, phát triển phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia theo hướng tự chủ. Hơn 10 năm không ngừng nỗ lực, trải qua những khó khăn từ phòng thí nghiệm tới nhà máy, công trường và cả thương trường, GS.TS Vũ Thị Thu Hà đã đưa ra 5 kiến nghị: Xây dựng chính sách khoa học công nghệ phải dựa trên những đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ; Cần đầu tư có trọng tâm và đầu tư đến “ngưỡng”; Mạnh dạn khoán đến sản phẩm cuối cùng, giảm bớt mọi thủ tục trung gian trong khi vẫn đảm bảo quản lý hiệu quả và khoa học về tài chính –  hướng tới mục tiêu 100% năng lực và năng lượng của nhà khoa học dành cho hoạt động chuyên môn; Thừa nhận “rủi ro” là đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ, phải chấp nhận “rủi ro”; Cần hiểu biết sâu sắc hơn về những khó khăn trong quá trình ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vùng đệm – hoàn thiện công nghệ, sản phẩm, thương mại hóa thử nghiệm.

Bà Tôn Nữ Ngọc Hạnh,Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) Việt Nam và PGS.TS Trần Tuấn Anh,Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho các hội viên Chi Hội nữ trí thức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Toàn

Bà Tôn Nữ Ngọc Hạnh,Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) Việt Nam và PGS.TS Trần Tuấn Anh,Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho các hội viên Chi Hội nữ trí thức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Toàn


Đánh giá cao các đề tài nghiên cứu do các nhà khoa học nữ thực hiện, bà Tôn Nữ Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói: " Nữ trí thức là nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng nòng cốt đóng góp trực tiếp cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, họ đã và đang gặp nhiều rào cản khi làm khoa học, không chỉ trong quá trình nghiên cứu mà cả trong quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Hội nữ trí thức Việt Nam cần phối hợp rất chặt chẽ với Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam để giới thiệu những sản phẩm do nữ trí thức nghiên cứu cho các nữ doanh nhân. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng xin hứa sẽ giữ vai trò kết nối, đồng hành, chia sẻ, thúc đẩy, hỗ trợ quảng bá, truyền thông các sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học, cũng như hỗ trợ Hội nữ trí thức Việt Nam mở rộng, tập hợp nữ trí thức ở các địa phương” .

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, Hội thảo đã khẳng định được vai trò và những đóng góp của Nữ trí thức Việt Nam trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống,  cũng như đánh giá được những khó khăn, thuận lợi trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống. 

GS.TS Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu tổng kết Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn


GS.TS Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu tổng kết Hội thảo. Ảnh: Hoàng Toàn


Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường sự tham gia và đóng góp của nữ trí thức trong thời gian tới, thúc đẩy ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế cuộc sống Hội thảo đã kiến nghị một số nhóm giải pháp chính: Tăng cường đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ; Đầu tư cho nhiệm vụ Khoa học công nghệ dài hạn, gắn các nhà khoa học từ nghiên cứu cơ bản đến sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm công nghệ; Xã hội hóa và đa dạng nguồn vốn cho hoạt động Khoa học và công nghệ; Kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp và cộng đồng; Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu Khoa học và Công nghệ môi trường ứng dụng khoa học công nghệ vào giải quyết ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, TP.HCM…

Đồng thời, cần tiếp cận khoa học theo chuỗi giá trị, ưu tiên các nghiên cứu có sản phẩm đưa vào phục vụ sản xuất;  đầu tư có trọng điểm và đầu tư đến ngưỡng;Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, có những chính sách ưu đãi về thuế;Tăng cường hợp tác quốc tế trong triển khai các hoạt động/ Dự án/ Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ: nắm bắt công nghệ lõi, phát triển công nghệ mới; Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như: Luật khoa học và công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật sở hữu trí tuệ…

DIỆU THUẦN - HOÀNG TOÀN

In bài viết
Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.