Đó là TS Trần Việt Hoa – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 và ThS Trần Thị Mai Hương – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. Tại tọa đàm “Kinh nghiệm từ những trưng bày của các Trung tâm lưu trữ quốc gia” (TTLTQG) do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) tổ chức mới đây, tham luận của các chị đã thu hút tất cả các nhà quản lý, nhà chuyên môn của giới bảo tàng, lưu trữ suốt 3 tiếng đồng hồ.
Toàn cảnh hội thảo
Trước hết cần phải nói rằng, chủ đề mà Ban tổ chức đặt ra để trao đổi trong tọa đàm là một vấn đề đang rất đáng quan tâm của xã hội hiện nay về việc phát huy di sản trong cộng đồng tại các Di tích, Bảo tàng và Trung tâm lưu trữ. Có một thực tế ai cũng biết, là trưng bày/triển lãm tại các đơn vị có chức năng phát huy di sản này thường là rất vắng khách xem, mặc dù miễn phí vào cửa. Có vẻ như những loại hình thiết chế văn hóa này của chúng ta chưa thực sự có ý nghĩa trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của xã hội. Tuy nhiên, may thay, trong bức tranh màu xám đó, vẫn có những đây đó những trưng bày thu hút khách xem rất đông, trong một thời gian dài. Sau trưng bày triển lãm còn rất nhiều khách muốn đến khai thác thêm tư liệu để tìm hiểu về những nội dung mà mình quan tâm.
Mới đây, trưng bày “Hội nghị Paris: Cuộc đối thoại lịch sử” tại TTLTQG 3 và triển lãm “Cầu Long Biên – Chứng nhân lịch sử” tại TTLTQG1 là những điểm sáng như vậy. Hai tham luận của hai “nữ tướng lưu trữ” đã mang đến Tọa đàm một hơi thở mới bởi một cách tiếp cận mới đối với những vấn đề tưởng như đã cũ, một góc nhìn mới về các vấn đề của lịch sử hướng đi mới trong giải pháp trưng bày là dựa trên 3 trụ cột: Khoa học, công nghệ và nghệ thuật.
TS Nguyễn Văn Huy phát biểu đề dẫn
Sức hút của hai TTLTQG nằm ở đó, dưới sự chỉ đạo của hai “nữ tướng”, chứ không phải nằm ở hàng chục ngàn kilomet các giá tư liệu của lịch sử Việt Nam trải dài từ năm 1945 trở về trước (TTLTQG 1) hoặc từ 1945 tới nay (TTLTQG 3).
Làm sao để di sản luôn được hồi sinh khi mà bản chất của di sản là thuộc về quá khứ và dễ bị “ngủ quên”? Làm sao để có thể tổ chức trưng bày những tư liệu tưởng chừng như cũ kỹ, khô khan và nhiều người từng biết mà vẫn hấp dẫn người xem mọi lứa tuổi? Việc lựa chọn chủ đề nội dung cũng như phương án thiết kế, thi công, phối hợp với các đơn vị bạn, khuyến khích cộng đồng chia sẻ tư liệu, ký ức, giải quyết vấn đề kinh phí và cơ sở vật chất hạn hẹp ra sao…đều được đặt ra và được các chị giải đáp thấu đáo.
Các tham luận không chỉ là những lý thuyết cằn cỗi, mà những bài học kinh nghiệm từ thực tế đã được hai diễn giả minh họa bằng những hình ảnh thực tế, sinh động, hấp dẫn, cử tọa có cảm giác như triển lãm đang diễn ra, ngay tại cuộc tọa đàm này.
3 đồng chủ tọa Hội thảo
Một bài học lớn mà tham luận của TTLTQG 1 đã rút ra được là: Phải trưng bày những cái công chúng cần, không phải cái chúng ta có; chú trọng yếu tố đại chúng đối với các tư liệu hàn lâm, luôn đa dạng trong hình thức thể hiện, tránh đơn điệu một màu, tạo ra một bối cảnh sống động cho trưng bày như một cách làm sống lại lịch sử…
Như chủ tọa - PGS Nguyễn Văn Huy đã nói: “Thực sự là một không gian học thuật cởi mở, bổ ích đã được mở ra, sẽ giúp những người làm lưu trữ, bảo tàng, quản lý di tích có nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hành động trong lĩnh vực công tác của mình”. Và thực tế là các đại biểu tham dự tọa đàm trực tiếp đến từ Trung tâm văn hóa và khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, các Bảo tàng Thanh Hóa, Nam Định, Hòa Bình, Trà Vinh…; Di tích Hỏa Lò và gần 30 đơn vị liên quan tham gia tọa đàm trực tuyến đã có những trao đổi hết sức sôi nổi, hào hứng. Một hiệu ứng tất yếu đã diễn ra đúng như mong đợi của nhà tổ chức tọa đàm: Tất cả các thiết chế văn hóa liên quan đến nhau như Lưu trữ, Bảo tàng, Di tích, đều mong muốn sẽ có một sự phối hợp liên ngành thường xuyên, đa chiều với nhau để việc phát huy di sản sẽ đạt hiệu quả cao nhất, có tác động tích cực đến đời sống văn hóa.
TS. Trần Việt Hoa - Giám đốc TTLTQG 3
TS Trần Việt Hoa – Giám đốc TTLTQG 3 khẳng định: “Sau tọa đàm đầu tiên này, chúng tôi được biết trong năm 2023, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục đi tiên phong tổ chức nhiều tọa đàm khác để người làm công tác bảo tàng, quản lý di tích và lưu trữ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau xây dựng những ý tưởng mới, cách làm mới trong công tác trưng bày, giáo dục phát huy giá trị di sản lưu trữ, nâng cao vị thế vai trò của các cơ quan lưu trữ, bảo tàng và quản lý di tích trong xã hội phát triển, góp phần phát triển ngành lưu trữ bảo tàng ở Việt Nam. Chúng tôi rất hoan nghênh và sẽ tham gia tích cực để đóng góp một phần vào mục tiêu tốt đẹp đó”.
ThS Trần Mai Hương - Giám đốc TTLTQG 1
Khách xem trưng bày tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm
NGUYỄN THỊ TRÂM
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.