Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 2 dự thảo Báo cáo đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ và 6 tháng đầu năm 2024 của Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị |
Thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ
Gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ III, trong điều kiện khó khăn về kinh phí do ảnh hưởng nặng nề của dịch covid-19, nhưng với sự cố gắng nỗ lực của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và toàn thể hội viên, các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ III đề ra, đã cơ bản được thực hiện. Tổ chức Hội được mở rộng thêm ở tỉnh Khánh Hòa và khối Viện, Trường đại học, phát triển mới trên 1.500 hội viên.
Trong 6 tháng đầu năm, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã thành lập mới 02 Chi hội gồm: Chi hội Nữ trí thức tỉnh Khánh Hòa với 127 hội viên và Chi hội Nữ trí thức Khối Văn hóa Nghệ thuật với tổng số 125 hội viên, nâng tổng số Chi hội trực thuộc là 35 và tổng số hội viên là 5.563 hội viên.
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam điều hành Hội nghị |
Chú trọng chăm lo quyền lợi của hội viên, Hội đã phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ các nữ trí thức phát triển tài năng thông qua nhiều hoạt động. Trong năm 2023, Hội phối hợp với Công đoàn Bộ Y tế, tổ chức tôn vinh 51 hội viên, nữ trí thức ngành Y có nhiều đóng góp trong phòng chống dịch covid-19; Tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ III, huy động sự tham gia đóng góp của nhiều nhà khoa học lớn với nhiều nội dung thiết thực trong đời sống xã hội.
TS. Phan Thị Thùy Trâm, Tổng thư ký Hội Nữ trí thức Việt Nam |
TS. Phạm Thị Mỵ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nữ trí thức Việt Nam trình bày dự thảo Báo cáo |
Nhằm nâng cao vai trò của Nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội đã Phối hợp với Tập đoàn sơn KOVA, tổ chức Sơn Nano KOVA từ vỏ trấu để giới thiệu quá trình nghiên cứu và ra đời của sản phẩm sơn nano KOVA, các loại sơn Nano KOVA có mặt trên thế giới. Hướng dẫn kỹ thuật thi công và thử nghiệm vải chống cháy của Tập đoàn Sơn KOVA. Tổ chức và phối hợp tổ chức các Hội thảo khoa học và triển lãm KHCN nâng cao kiến thức cho ủy viên Ban Chấp hành và hội viên, đồng thời tạo diễn đàn cho các nhà khoa học nữ giới thiệu về những nghiên cứu, sản phẩm khoa học, nhằm đưa khoa học đến gần hơn với đời sống, xã hội.Các hoạt động trên đã góp phần hỗ trợ các nữ trí thức quảng bá, giới thiệu tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo nhằm tìm kiếm các cơ hội ứng dụng và thương mại hóa các tài sản trí tuệ.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, phụ trách đối ngoại cho biết Tổ chức Liên hiệp quốc ủng hộ việc Hội Nữ trí thức Việt Nam đăng vai tổ chức Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á, Thái Bình Dương – APNN 2024. Tổ chức này sẽ có tham luận tại Hội nghị. Ban Đối ngoại của Hội cũng đã kết nối với Hội Nữ trí thức Úc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Ba Lan, tới đây là Hội Nữ trí thức Nhật Bản để giao lưu, hợp tác cùng phát triển. |
PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Hội đóng góp ý kiến cho dự thảo 2 Báo cáo |
Với phương châm hợp tác để cùng phát triển, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam; Ký thỏa thuận hợp tác với Hội tự động hóa Việt Nam; Biên bản ghi nhớ với Hội sức mạnh Phụ nữ Nga và tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với một số doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tương ứng. Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần hợp tác để phát triển thế mạnh của mỗi bên, Hội đã tích cực vận động nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động lớn mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao vị thế của tổ chức Hội.
GS.TS Lê Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết đã nhận được 40 đề cương đăng ký tham dự Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á, Thái Bình Dương – APNN 2024 trong 02 ngày 04 và 05/10/2024. Bộ phận nội dung của Hội nghị sẽ triển khai thẩm định số đề cương này. |
Hòa trong xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông trong việc điều hành hoạt động Hội Nữ trí thức Việt Nam đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động Hội, nói không với văn bản giấy trong điều hành, tổ chức hoạt động. Quét mã QR để truy cập tài liệu, trong các hội nghị, hội thảo, không phát tài liệu bản cứng; triệt để sử dựng online trong trao đổi, điều hành công việc. Sử dụng hình thức họp online, họp zoom, tạo điều kiện cho nữ trí thức có thể tham gia mọi hoạt động của Hội, trong bất kỳ điều kiện nào. Thường xuyên thông tin các hoạt động trên nhóm zalo, đảm bảo tính kịp thời, mở rộng đối tượng và tiết kiệm kinh phí trong điều kiện tự chủ hoàn toàn về kinh phí. Việc này không chỉ giúp quản lý công việc hiệu quả, văn phòng không giấy tờ còn tiết kiệm đáng kể chi phí. Hành chính số, hành chính không giấy tờ đã và đang thúc đẩy mọi hoạt động được tiến hành nhanh hơn, tiện lợi, hiệu quả và minh bạch hơn.
PGS.TS Lê Thị Thúy, UVBTV, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Hội Nữ trí thức Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội Nghị |
Hoạt động đối ngoại của Hội được quan tâm, mở rộng và đẩy mạnh. Bên cạnh việc tham gia các hội nghị quốc tế như: WiSET 2022; Hội nghị thường niên APNN 2022, 2024, Hội phối hợp với Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN (VASEAN) và Đại sứ quán Ấn độ tại Việt Nan tổ chức Tọa đàm “Kết nối văn hóa Ấn độ và Việt Nam”, với sự tham dự của khoảng 60 khách mời là đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các nữ trí thức. Phối hợp với các tổ chức, đơn vị tổ chức Hội thảo, tập huấn trong khuôn khổ chuỗi hội thảo khu vực Châu Á-TBD trực tuyến với chủ đề “Phụ nữ - đổi mới, sáng tạo vì một thế giới tốt đẹp hơn” do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO tổ chức. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ VN tổ chức đào tạo cho cán bộ nữ của Lào chuyên đề về Phụ nữ với khoa học công nghệ và về Ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức Hội nghị APNN- 2024 vào tháng 10.2024.
ThS. Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết Trung tâm luôn sẵn sàng là đầu mỗi kết nối các nhà khoa học nữ với doanh nghiệp. |
Cùng với việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong kế hoạch nhiệm kỳ, Hội tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam trong công tác an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo.
Phát biểu góp ý cho dự thảo Báo cáo, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Hội Nữ trí thức Việt Nam trong việc vượt lên khó khăn để triển khai và hoàn thành nhiệm vụ được đặt ra trong kế hoạch nhiệm kỳ và 6 tháng đầu năm 2024. Đồng thời mong muốn Hội tiếp tục phát triển tổ chức Hội thông qua việc quảng bá, khích lệ, động viên đội ngũ nữ trí thức; tác động, tạo điều kiện triển khai thành lập các Hội Nữ trí thức địa phương; các Chi hội Nữ trí thức để quy tụ đội ngũ nữ trí thức tham gia vào ngôi nhà chung.
Với những tồn tại, hạn chế như việc thành lập Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Đào tạo; xây dựng kế hoạch Tổ chức Giải thưởng Nữ trí thức – doanh nhân; xây dựng mạng lưới nữ trí thức Việt Nam trên toàn cầu… chưa thực hiện được, Hội nghiêm túc đánh giá những khó khăn khách quan, chủ quan và tiếp tục tìm hướng khắc phục, triển khai.
PGS.TS.NCVCC Hà Phương Thư cảm ơn Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tạo điều kiện để chị tham dự Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của Phụ nữ lần thứ 17 tại Hàn Quốc và giành giải thưởng |
Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện nửa cuối nhiệm kỳ 2021-2026
Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm và tồn tại, hạn chế trong hoạt động gần 3 năm qua, Hội xác định từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội cần tập trung khắc phục khó khăn, thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, 7 nhiệm vụ và kế hoạch hoạt động đã đề ra. Một số hoạt động lớn đó là: Tổ chức Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV; Tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho hoạt động Hội và có nhiều đóng góp, cống hiến cho đất nước và cộng đồng ; Tổ chức Đại hội hết nhiệm kỳ.
Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam và các thành viên trong Thường trực Hội chung vui với GS.TS Vũ Thị Thu Hà |
Một số giải pháp được đặt ra là cần phát huy tốt vai trò, tinh thần trách nhiệm các ủy viên Ban Chấp hành, đặc biệt là Ban Chấp hành, người đứng đầu các Hội thành viên, Chi hội trong tổ chức, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác của Hội.
Đổi mới nội dung, phương thức và thường xuyên cập nhật nội dung hoạt động Hội để nâng cao vị thế và vai trò của Hội, đồng thời lan tỏa được sự tham gia tích cực của các hội viên.
Đẩy mạnh hoạt động liên kết, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, phát huy thế mạnh của các bên, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ hoạt động Hội.
Quan tâm chăm lo hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên. Đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu phát triển tổ chức và hội viên theo tinh thần công văn số 3378/ĐCT-TG, của Hội LHPN Việt Nam gửi các Tỉnh/Thành ủy về việc: “Phối hợp chỉ đạo phát huy vai trò đội ngũ nữ trí thức tại địa phương”.
Riêng 6 tháng cuối năm 2024, nhiệm vụ của Hội là đăng cai tổ chức Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á, Thái Bình Dương – APNN 2024 trong 02 ngày 04 và 05/10/2024. Đẩy mạnh phát triển tổ chức Hội thành viên ở các tỉnh, thành phố.Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nữ trí thức trong và ngoài nước. Chỉ đạo các Chi hội tổ chức Đại hội hết nhiệm kỳ (đối với những Chi hội hết nhiệm kỳ), đôn đốc, nhắc nhở các Hội thành viên tổ chức Đại hội theo quy định của Điều lệ; tổng kết hoạt động năm 2024; thu nộp hội phí; khai thác nguồn lực phục vụ hoạt động Hội.
Kết luận Hội nghị, GS.TS Lê Thị Hợp khẳng định những nỗ lực đáng ghi nhận của Hội Nữ trí thức Việt Nam trong việc triển khai và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong kế hoạch nhiệm kỳ được thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, xác định việc đăng cai tổ chức Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á, Thái Bình Dương – APNN 2024 trong 02 ngày 04 và 05/10/2024 là nhiệm vụ quan trọng của 6 tháng cuối năm 2024. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho Hội nghị đang được triển khai đúng tiến độ. Ban tổ chức đã nhận được 40 đề cương báo cáo đăng ký tham gia Hội nghị, trong đó có 10 báo cáo của các đoàn quốc tế.
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam và PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam trao Huy chương Bạc và giấy chứng nhận cho GS.TS Vũ Thị Thu Hà Trong khuôn khổ Hội nghị Thường Vụ, lãnh đạo Hội đã trao 2 Huy chương Bạc và bằng chứng nhận cho GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về lọc hóa dầu. Đây là giải thưởng được trao tại Triển lãm Quốc tế và Sáng chế của Phụ nữ lần thứ 17 (KIWIE 2024) vừa được tổ chức tại Kintex, Hàn Quốc. GS.TS Vũ Thị Thu Hà và nhóm nghiên cứu tham gia Triển lãm với sáng chế “Về quá trình sản xuất hệ dung môi sinh học gốc sử dụng chất xúc tác dị thể và hệ dung môi sinh học gốc thu được bằng quy trình này”.
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.