Người phụ nữ bé nhỏ ấy là chị Vũ Thanh Bình, một người con của Hải Phòng sau một thời gian dài sống và trải nghiệm về các hoạt động văn hóa sáng tạo tại Hà Nội, nay quyết tâm mang những trải nghiệm quý báu ấy của mình về quê hương với một niềm đam mê cháy bỏng: Tạo lập một không gian văn hóa sáng tạo ở thành phố Cửa Biển đầy sóng gió và cũng từng là một cái nôi của rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật một thời. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn nữ trí thức Vũ Thanh Bình, được thực hiện bởi một phóng viên nữ với bút danh NẮNG - 031LIB.
Vũ Thanh Bình, người sáng lập Không gian văn hóa sáng tạo Cửa Biển là một người con của phố biển với nhiều năm sinh sống xa quê, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2010, chuyên ngành Tài chính quốc tế. Đã từng làm việc ở Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN, nhưng với niềm đam mê văn hóa, năm 2015, chị rời cơ quan ấy và lăn xả cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội, với việc mở không gian cà phê sách Tổ Chim Xanh. Năm 2021, cái duyên đưa đẩy chị trở về với Hải Phòng, tiếp tục con đường là người kết nối, lan tỏa những hoạt động văn hóa và sáng tạo tại thành phố quê hương mình. Chị đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thú vị.
PV: Vì sao trong rất nhiều biểu tượng của Hải Phòng, chị lại lựa chọn tên gọi “Cửa Biển” để đặt cho không gian văn hóa sáng tạo này?
Vũ Thanh Bình:
Việt Nam có rất nhiều thành phố Cảng nhưng chỉ có Hải Phòng được gọi là “Cửa Biển”. Cửa Biển, nó không chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa mà còn cả văn hóa nữa. Những chuyến tàu đến và đi, đưa hàng hóa đến Hải Phòng cùng những người ở nơi khác với những ý tưởng văn hóa mới, những truyền thống văn hóa đa dạng đến, du nhập, giao hòa, chia sẻ với con người Hải Phòng. Chính vì lẽ đó mà văn hóa chung ở đây rất cởi mở, phóng khoáng. Mọi người sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận những nền văn hóa mới.
Thêm một điều nữa là Hải Phòng may mắn có một nhà văn, ông tuy không phải người gốc Hải Phòng nhưng đã gắn bó với nơi đây, sống và làm việc, hòa mình cùng đời sống của nhân dân lao động cũng như đời sống văn hóa nghệ thuật của Hải Phòng. Có thể các bạn cũng đoán ra, đó chính là nhà văn Nguyên Hồng. Ông có một tiểu thuyết có tên gọi Cửa Biển, đây là tác phẩm mình vô cùng yêu thích từ những ngày còn học cấp 3. Đó cũng chính là lý do cái tên Cửa Biển ngay lập tức hiện lên trong đầu mình khi mình nghĩ về một không gian văn hóa tại Hải Phòng.
PV: Trở về Hải Phòng sau nhiều năm sống và làm việc tại thủ đô, chị cảm nhận thế nào về đời sống văn hóa của thành phố mình?
Trong góc nhìn của mình, Hải Phòng vẫn luôn là một vùng đất đầy tiềm năng về phát triển văn hóa. Thực tế thì trong lịch sử, Hải Phòng đã có thời kỳ hoàng kim cả về kinh tế và văn hóa. Nhưng nó có khoảng đứt gãy khi thể chế thay đổi và nền kinh tế thị trường, những làn sóng mới ập vào cùng những biến cố, đã có những thành phố khác phát triển nhanh chóng, che lấp đi hình bóng của Hải Phòng trên bản đồ văn hóa của đất nước.
Nhưng khi tìm hiểu thì mình thấy đời sống văn hóa phong phú ấy của Hải Phòng có thể chỉ bị chìm khuất đi thôi chứ chưa bao giờ bị đánh mất. Mọi người vẫn đang miệt mài xây dựng, chia sẻ nó nhưng hoạt động vẫn còn bị cục bộ, sự giao lưu chia sẻ chỉ ở trong những nhóm nhỏ, chưa được lan tỏa rộng rãi. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Chúng ta đã có sẵn một nền tảng tốt, sẵn một truyền thống như vậy, sẵn một lực lượng vừa nhiệt huyết vừa đam mê chỉ chờ được bung ra chia sẻ với nhau. Hy vọng với không gian văn hóa sáng tạo Cửa Biển cùng sự giúp đỡ của những người bạn trong cộng đồng, mình có thể tổ chức được nhiều chuỗi sự kiện hơn, hình thức đa dạng hơn, thông qua đó để mọi người biết đến nhau, tìm hiểu về nhau, lan tỏa được thế mạnh những đam mê của mọi người đi xa hơn nữa.
PV: Là một người từng có thời gian hoạt động tại Hà Nội, chí có cảm nhận thế nào về sự khác biệt trong cách mọi người đón nhận các sự kiện văn hóa ở Hà Nội và Hải Phòng?
Hà Nội là nơi quy tụ nhiều trường đại học lớn, các đơn vị hành chính văn hóa, chính trị, kinh tế, Những người trẻ ở Hà Nội đến từ rất nhiều nơi trên khắp đất nước. Mình từng cho rằng những tinh hoa của địa phương khác đều đã hội tụ hết tại Hà Nội rồi. Bởi những đối tượng mà mình tiếp xúc khi làm văn hóa nghệ thuật ở đó thì đều là những người vốn sẵn là khán giả của văn hóa nghệ thuật, họ có sự đầu tư về thời gian để tìm hiểu và đến tham gia các hoạt động sự kiện một cách có hệ thống.
Mang tâm lý ấy về Hải Phòng, mình tự hỏi liệu các bạn còn ở lại Hải Phòng thì các bạn ấy có quan tâm đến vấn đề này không, bởi nếu quan tâm có khi các bạn ấy đã đến các thành phố lớn như Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh hết rồi. Thế nên ban đầu mình cũng khá dè dặt. Nhưng không ngờ rằng ở đây mình lại gặp được rất nhiều bạn trẻ chia sẻ cùng mối quan tâm như vậy. Nó làm cho kế hoạch dài hạn của mình khi về Hải Phòng đã được rút ngắn rất nhiều.
Cụ thể thì sau khi bắt tay vào làm những sự kiện đầu tiên và chuỗi sự kiện phiên chợ vừa rồi, mình mới thấy rằng Hải Phòng đang có rất nhiều người chờ đợi những điều ấy giống như mình. Ví dụ như trong hoạt động chiếu phim “Chớp bóng thứ 7” vừa rồi mình làm với chuyên đề “Điện ảnh với Hải Phòng”. Bốn buổi chiếu bóng là đi qua những giai đoạn về lịch sử của Hải Phòng được thể hiện qua màn ảnh. Khi khán giả đến xem những thước phim cũ về Hải Phòng, nhìn ngắm lại những ngày xưa, những góc phố bây giờ đã đổi khác… mọi người hồi tưởng lại, phấn khích, nhớ lại về những ngày Hải Phòng đã từng có một giai đoạn tươi đẹp như thế, những con người hào sảng sống với một đời sống tinh thần phong phú … Mọi người khởi sinh một sự đồng cảm, hưởng ứng, mong muốn được xây dựng lại cảm giác rực rỡ hoàng kim như thời kỳ ấy.
Khi chưa làm thì mình còn lăn tăn hoài nghi, nhưng làm rồi thì giờ đây mình cảm thấy tràn đầy sự tin tưởng. Mình tin là chỉ một hai năm nữa thôi, mặt bằng đời sống văn hóa ở Hải Phòng sẽ rất khác. Hải Phòng đã có nền tảng vững chắc về mặt văn hóa lịch sử, bây giờ lại có sự đồng lòng hỗ trợ của những con người trong cộng đồng này. Khi mà cộng đồng mong muốn thì mình tin là cộng đồng sẽ làm được.
PV: Đam mê và tâm huyết với con đường văn hóa sáng tạo như vậy, em tò mò là điều gì đã khiến chị theo đuổi con đường ấy?
Mỗi người sinh ra ở cuộc đời sẽ có một sứ mệnh, một con đường đi riêng. Mọi người sẽ phải trải qua rất nhiều sự thay đổi, tìm hiểu và thử sai cho đến khi nào thấy là mình tìm được đúng một chỗ đứng, đúng một con đường đi mà khi đi trên con đường ấy mình không bao giờ phải đặt câu hỏi là mình đang đúng hay sai nữa. Mình chỉ biết rằng mình cứ thế đi thôi và cố gắng làm sao để nó đến được đích, cố gắng để mọi phút giây ở trên con đường ấy đều trọn vẹn nhất có thể.
Mình đã trải qua nhiều thay đổi, mình từng làm ngân hàng, những công việc hành chính văn phòng trong nhiều năm. Khoảng thời gian ở những lĩnh vực khác ấy tuy là cũng cho mình những trải nghiệm đáng quý và cho mình những kinh nghiệm hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động về sau. Nhưng mình luôn cảm thấy một sự thiếu vắng, sự thiếu vắng ấy chỉ được bù khuyết khi mình làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật này thôi.
Cuộc đời đã đưa đẩy để mình có cơ hội tìm hiểu, thử và dừng lại ở lựa chọn này. Cho đến thời điểm này mình có thể nói rằng nó sẽ là con đường đúng đến mãi mãi về sau. Mình muốn được lan tỏa niềm vui vẻ, hạnh phúc của mình khi làm việc trong lĩnh vực này với những người cùng mối quan tâm, đam mê với văn hóa. Hoặc đôi khi chỉ là các bạn cũng cảm thấy vui vẻ khi được tiếp xúc với những hoạt động văn hóa như vậy thôi.
PV: Em nghĩ rằng để có thể tìm ra con đường đúng với mình đến mãi mãi về sau là một điều rất khó, chị có thể chia sẻ bí quyết của chị để tìm ra con đường dành cho mình không?
Không có phương thức nào là đúng với tất cả mọi người, nhưng mình có thể chia sẻ với các bạn rằng với mình đó là thử sai. Các bạn đừng ngại sai, các bạn không thể nào biết được việc đó có hợp với mình không cho đến khi các bạn thử. Thử chán chê rồi, đi hết quãng đường ấy rồi, đi đến tận cùng của nó, đi đến tận cùng khả năng của mình thì mới biết được nó có hợp với mình hay không.
Đó cũng là điều thôi thúc mình tổ chức các hoạt động văn hóa sáng tạo và trải nghiệm chia sẻ như thế này vì khi có nhiều cơ hội để chia sẻ, để trải nghiệm, để biết về thế giới rộng lớn ngoài kia hơn thì mọi người mới có thể có nhiều sự lựa chọn để biết rằng đâu là con đường đúng với mình.
PV: Bản thân em cảm nhận thấy rằng dù chị Bình mới chỉ về Hải Phòng trong một thời gian ngắn thôi nhưng đã khuấy động phong trào văn hóa nghệ thuật ở Hải Phòng lên rất nhiều rồi. Điều gì khiến chị Bình dù về Hải Phòng chưa lâu nhưng lại có thể kết nối được nhiều người cùng làm văn hóa nghệ thuật để tổ chức các hoạt động như vậy?
Sứ mệnh của mình sinh ra là điểm kết nối chăng? Mô hình hoạt động của Không gian văn hóa sáng tạo Cửa Biển như là một cái trung tâm kết nối. Tất cả những người đã từng đến đây, từng gặp mình hay từng có một cơ duyên va chạm nào đó thì mình luôn cố gắng ghi nhớ tất cả thông tin về họ. Họ đang làm về lĩnh vực gì, dự án của họ cần hỗ trợ ra sao. Mình có thể là người không giỏi về tất cả lĩnh vực văn hóa, mình chỉ biết một vài thứ thôi nhưng mình may mắn gặp được những người là chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Mình ghi nhớ những thông tin ấy và bất kỳ khi nào một người đang tìm hiểu hay đang cần sự hỗ trợ về lĩnh vực nào đó thì mình sẽ đưa ra được thông tin giới thiệu là đang có cá nhân này, nhóm này đang làm về lĩnh vực đó, mọi người có thể cùng trao đổi để tìm giải pháp. Qua những lần kết nối như vậy thì mình nhận ra đó chính là thứ mà cộng đồng đang cần. Khi vượt qua được những tâm lý trở ngại ban đầu rằng cái người đó, dự án đó có đáng tin cậy hay không, mọi người có cơ hội đầu tiên để tiếp cận và làm quen với nhau, cho nhau cơ hội thử sai và thường nó sẽ dẫn đến một kết quả vô cùng tốt đẹp.
Mình muốn mang cái tinh thần ấy đến với các hoạt động mình làm. Một người không thể làm được tất cả mọi việc. Một tổ chức, một không gian cũng không thể làm được tất cả mọi mảng. Chúng ta cần chung tay góp sức lại với nhau mới có thể làm nên một đời sống văn hóa sôi động, tích cực được.
PV: Nếu có một lời nhắn đến cho các bạn đang làm văn hóa sáng tạo Hải Phòng, chị có muốn nhắn nhủ điều gì không?
Mình muốn nhắn nhủ rằng mình cũng mới về Hải Phòng thôi, những cộng đồng hay cá nhân mình tiếp xúc có thể cũng chỉ là một góc nhỏ ở cộng đồng văn hóa sáng tạo rộng lớn ở Hải Phòng. Mình rất mong muốn được biết đến các bạn nhiều hơn nữa. Dù các bạn đang ở đâu hay đang trốn trong góc nào, có đang ngại ngùng chưa từng xuất hiện để giao lưu với các hội nhóm khác thì mình cũng rất mong muốn được gặp các bạn ở Cửa Biển, để chúng ta có thể cùng nhau tạo nên những điều tuyệt vời.
NẮNG - 031LIB (Thực hiện)
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.