Hội chứng ALS là loại bệnh hiếm gặp khi thần kinh điều khiển các cơ trong cơ thể chết đi hàng loạt không rõ nguyên nhân khiến người bệnh bị teo cơ và liệt người. Người bệnh không thể điều khiển cơ tay chân, thường tử vong do suy hô hấp sau 2-5 năm sau khi được chẩn đoán. Hiện chưa có cách điều trị bệnh, thuốc Riluzole được sử dụng chỉ kéo dài sự sống từ 2-3 tháng.
"Các phương thức hiện nay đều không giúp các nhà khoa học tìm được nguyên nhân trực tiếp gây bệnh ALS, đây là lý do nhóm theo đuổi thiết kế phương thức nghiên cứu ở động vật có thể tái hiện lại quá trình phát triển bệnh lý từ đó tìm hiểu được tác nhân động cơ phát triển bệnh", Bảo Châu nói với VnExpress.
Trần Lê Bảo Châu, 27 tuổi và cộng sự tại Viện nghiên cứu thần kinh và tâm thần học Florey, thuộc Đại học Melbourne thực hiện nuôi tế bào thần kinh gốc từ bệnh nhân mắc bệnh ALS cấy vào não chuột. Điều này sẽ giúp giảm thiểu những nhược điểm của nuôi cấy tế bào đơn thuần trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu ở động vật. Hiện thí nghiệm thành công, chuột sau hơn 9 tháng được cấy tế bào thần kinh người vào não, vẫn sống khỏe mạnh.
Bảo Châu cho hay, nếu thành công tái hiện quá trình phát triển bệnh, các nhà khoa học có thể sử dụng nghiên cứu nguyên nhân phát triển bệnh, qua đó giúp chẩn đoán chính xác và tìm cách kìm hãm bệnh phát triển. Đồng thời có thể sử dụng mô hình động vật để thử nghiệm thuốc trước khi vào thí nghiệm lâm sàng.
Nghiên cứu của Bảo Châu sử dụng những kỹ thuật công nghệ mới như nuôi cấy tế bào gốc, hóa mô miễn dịch (immunohistochemistry), chụp hình ảnh thần kinh thông qua kính hiển vi quét laser đồng tiêu (laser scanning confocal microscopy) và tạo dựng cấu trúc thần kinh thành hình ảnh 3D. Đây là những kỹ thuật và công nghệ mới, tiên tiến trong ngành.
Hồi tháng 11/2023, Trần Lê Bảo Châu là nữ sinh người Việt duy nhất trong số 6 người được xướng tên tại Graeme Clark Institute (GCI) in STEM Student Award. Giải thưởng do Viện nghiên cứu Graeme Clark, thuộc đại học Melbourne tổ chức, nhằm ghi nhận và tôn vinh các nhà nghiên cứu nữ tại đại học Melbourne có đề án trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh và đóng góp đáng kể trong cộng đồng nghiên cứu STEM.
Bảo Châu nhận học bổng học tiến sĩ toàn phần Nancy Frances Curry, dành cho sinh viên nghiên cứu hội chứng ALS (xơ cứng cột bên teo cơ). Cô đang làm nghiên cứu tiến sĩ tại Viện nghiên cứu thần kinh và tâm thần học Florey năm thứ ba, đồng thời là cố vấn khoa học tại Gene Technology Access Centre (GTAC).
Bảo Châu sinh tại TP HCM. Lựa chọn ngành thần kinh học được cô mô tả là cái duyên, điều tưởng chừng không bao giờ nghĩ tới với một cô gái vốn rất sợ những thứ liên quan đến não hay mắt từng xuất hiện trong các bộ phim phim kinh dị.
18 tuổi, Châu sang Australia theo học ngành Khoa học tại Đại học Monash. Học được hai năm, cô rẽ hướng học Hóa dược phẩm với mong muốn khi ra trường có thể xin việc tại một công ty dược mỹ phẩm. Tuy nhiên trong lần làm tình nguyện viên tại Viện nghiên cứu Florey, Châu lần nữa được truyền cảm hứng theo đuổi khoa học và có cơ duyên nghiên cứu về các bệnh thoái hóa thần kinh tại đại học Melbourne sau đó. "Khoa học có một sức hút khó diễn tả đối với tôi và không bao giờ quá trễ để học bất cứ điều gì cả", cô nói.
TS Val Rytova, Đại học Melbourne, đánh giá Châu có năng lực học những kỹ năng mới vượt trội. Chỉ trong vài tháng, Châu thể hiện sự độc lập trong phòng thí nghiệm và bắt đầu tạo và phát triển ra các phân tích kỹ thuật mới trên kính hiển vi. "Tôi tin Châu theo đuổi tiến sĩ là một đóng góp lớn cho nghiên cứu thần kinh học và đặc biệt nghiên cứu ALS đang rất cần thiết hiện nay", bà chia sẻ trong thư đánh giá.
Từ văn phòng hỗ trợ sinh viên, cô Jacquie Munro-Smith nhìn nhận "nghiên cứu của Châu về bệnh ALS là một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và nhận được nhiều sự quan tâm trong giới khoa học và cộng đồng".
Theo Vnexpress.net