Được biết đến là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành khoa học công nghệ môi trường ở Việt Nam, đồng thời là nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề, GS.TS Đặng Thị Kim Chi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhận hàng loạt giải thưởng lớn trong sự nghiệp như Giải thưởng Kovalepskaia, Giải thưởng Môi trường Việt nam, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 trong lĩnh vực môi trường…
Dù vậy, khi Người Đưa Tin (NĐT) hỏi về những thành tựu này, GS.TS Đặng Thị Kim Chi chỉ khiêm tốn nói: “Tôi chỉ làm một việc nhỏ, “vui vui” mà thôi!”.
NĐT: Mọi người biết đến bà là con gái út của một vị giáo sư y học nổi tiếng, vậy cha có phải là người ảnh hưởng đến quyết định trở thành cán bộ khoa học kỹ thuật của bà hay không?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Cha rất muốn tôi đi theo ngành y chứ không phải là theo học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Đại học Bách khoa - PV) để trở thành kỹ sư. Ngày ấy, đất nước còn chiến tranh, giống như các bạn đồng trang lứa, tôi đã nộp đơn xung phong đi bộ đội nhưng bị từ chối, bởi vì khi đó đất nước cần những thanh niên đã tốt nghiệp phổ thông (lớp 10), được đào tạo để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước khi chiến tranh kết thúc.
Tôi đến với nghề chỉ vì một hôm vô tình đi qua Trường Đại học Bách khoa, tôi thấy ấn tượng với chiếc cổng Parapol của ngôi trường này. Khi trở về nhà, tôi ngay lập tức tìm hiểu, đọc tài liệu thì biết đó là trường đại học khoa học kỹ thuật lớn nhất của Việt Nam thời bấy giờ đang được Liên Xô viện trợ giúp đỡ xây dựng.
Hồi đó ý nghĩ cũng rất ngây thơ, tôi thấy chiếc áo vinilon là đồ rất quý và lạ, mọi người đều mặc áo vải thô, vải sợi nhưng áo vinilon vừa nhẹ, giặt nhanh lại không nhàu. Vì vậy, tôi muốn tìm hiểu và học ngành Kỹ thuật hóa học để tìm hiểu xem vinilon là gì và được sản xuất thế nào?
Lúc đó, cha cũng tôn trọng nguyên vọng của tôi và ông chỉ dặn: “Làm gì cũng là làm, nhưng con hãy chọn việc có ích cho đời” và cha tiễn tôi đi lên khu sơ tán của Trường Đại học Bách Khoa để theo học ở đó.
NĐT: Theo học ngành Kỹ thuật hoá học, bước ngoặt nào đưa bà trở thành nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Năm 1971, tôi nhận bằng tốt nghiệp Kỹ sư hóa học - Trường Đại học Bách khoa loại ưu nên được giữ lại giảng dạy tại trường bộ môn Hoá kỹ thuật các chất vô cơ.
Đến năm 1975 đất nước thống nhất, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế sau chiến tranh, Vấn đề đặt ra lúc này nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế mà không quan tâm bảo vệ môi trường thì hậu quả rất nghiêm trọng. Lãnh đạo nhà trường, chủ nhiệm khoa Hóa thời đó thấy cần thiết phải đào tạo ngành mới là Kỹ thuật bảo vệ môi trường tại Đại học Bách Khoa Hà nội
Nhưng vì là ngành mới, để thành lập được đơn vị đào tạo cần người đi nghiên cứu, học tập nên tôi may mắn được lãnh đạo nhà trường tin tưởng gửi đi học, mục đích là để đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Khi được giao nhiệm vụ chính tôi lúc đó cũng không hình dung được ngành đó là như thế nào.
Nói là được cử đi học nhưng để đi được cũng không phải dễ dàng vì trước đó tôi phải trải qua một kỳ thi rất căng thẳng ở Việt Nam để được làm nghiên cứu sinh. Sau khi đã trúng tuyển và mất 1 năm học tiếng, năm 1978 tôi được gửi sang Cộng hòa dân chủ Đức là để thực hiện trọng trách được nhà trường giao phó.
NĐT: Phải rời xa gia đình và đứa con nhỏ, đi học một ngành hoàn toàn mới ở nơi đất khách quê người, chắc hẳn cũng không phải là điều dễ dàng với bà?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Trong những năm ở nước Đức, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều tốt đep về phong cách sống cũng như kinh nghiệm hoạt động khoa học và đào tạo. Về chuyên môn, đây là một ngành học rất mới, ngay chính ở Việt Nam mọi người cũng chưa hiểu thế nào là khoa học và kỹ thuật bảo vệ môi trường, bản thân tôi cũng không được đào tạo những kiến thức liên quan vì vậy khi bắt đầu có rất nhiều vất vả.
Những ngày đầu tiên đi học, song song với thực hiện triển khai các nghiên cứu, bản thân tôi cũng phải học lại kiến thức cơ bản về khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường. Có những đợt phải làm thí nghiệm liên tục, tôi đến trường khi đèn đường chưa tắt và trở về thì đèn đường đã bật.
Mặc dù nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của các thầy cô giáo và bạn bè, nhưng cũng không tránh khỏi những ngày khó khăn khi thí nghiệm không ra kết quả, đề tài sai sót phải chạy lại thí nghiệm hoặc thay đổi, bổ sung nội dung hướng nghiên cứu. Những lúc như vậy tôi lại suy nghĩ rất nhiều, buồn có, tủi thân có, thậm chí có lúc muốn bỏ cuộc, nhưng sau đó tự nhủ thấy “phải cố gắng”.
Tôi tự nhủ bản thân rằng, Việt Nam đang cần có những chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tôi nhớ về ngày lên đường sang Đức du học, hình ảnh chồng bế đưa con trai nhỏ vẫy tay tạm biệt và tin tưởng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng nhớ lại lời cha khi tiễn tôi lên đường đi học đại học: “Việc học là suốt cả cuộc đời, hãy luôn cố gắng con nhé”. Lời dặn ấy theo tôi suốt những ngày ở nơi sơ tán của Trường Đại học Bách khoa cho đến khi làm nghiên cứu sinh ở nước bạn xa xôi.
Đến năm 1982 tôi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và trở về nước. Ngay đến bây giờ, triết lý sống của tôi vẫn là “Hãy luôn cố gắng” (cười).
NĐT: Khi trở về nước bà đã bắt tay thành lập ngành khoa học công nghệ môi trường như thế nào?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Sau khi hoàn thành học tập, tôi cũng nhận được nhiều lời khuyên ở lại làm việc tại Đức. Mặt khác giáo sư hướng dẫn cũng nhắc nhở nếu muốn trở lại Việt nam, làm việc tại trường đại học, tôi cần đi thực tế ở nhà máy khoảng vài năm để tiếp cận với triển khai các kỹ thuật, công nghệ xử lý tại các nhà máy, để có đủ kinh nghiệm thực tế kết hợp với những kiến thức khoa học được đào tạo.
Tôi đã chọn trở về Việt Nam, về Hà Nội thân yêu , về với gia đình và được chào đón bởi sự hân hoan của mọi người khi Trường Đại học Bách khoa sắp mở ra một ngành khoa học kỹ thuật mới. Nhưng ngày đó vì hoàn cảnh không cho phép nên mong muốn làm việc tại nhà máy đi thực tế lại không được diễn ra, thay vào đó thầy chủ nhiệm khoa đã cho tôi tham gia trực tiếp vào các đề tài, dự án về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường của các nhà máy.
Vậy là tôi lại bắt đầu chặng đường mới, vừa giảng dạy ở Bách khoa và đi thực hiện đề tài, thiết kế các giải pháp xử lý và triển khai ngay vào thực tế của nhà máy. Dần dần qua mỗi lần đi, mỗi lần hoàn thành đề tài dự án tại các nhà máy thì tôi lại trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn, bây giờ nhìn lại đã hơn 40 năm trôi qua.
Đến nay ngành khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường đã đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển của Việt Nam là ngăn chặn ô nhiễm môi trường tác động xấu đến hệ sinh thái và con người. Cảm thấy mình nhiều năm đã làm được một việc gì đó “vui vui”.
NĐT: Người ta thường mặc định nhà khoa học chỉ biết đến nghiên cứu, làm thí nghiệm và “khô cứng” trong tâm hồn, điều này có đúng không thưa bà?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Đây là nhận định không đúng. Dù nhà khoa học, phần lớn thời gian là nghiên cứu đề tài nọ, dự án kia nhưng tâm hồn họ vẫn rất phong phú. Trong khoa học thì hết sức nghiêm túc, cần cù chịu khó nhưng trong cuộc sống chúng tôi không bao giờ quên trách nhiệm của bản thân.
Chúng tôi không quên căn bếp ấm lửa hay không là do bàn tay của mình. Không nên mặc định phụ nữ làm nghiên cứu là cứng nhắc, vụng về.
NĐT: Vừa phải đi làm vừa lo công việc gia đình luôn là điều áp lực với phụ nữ, là một nhà khoa học bà cân bằng cuộc sống bằng cách nào?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Tôi nghĩ ai cũng mong muốn được trọn vẹn mọi mặt nhưng điều này là không thể, nên biết “nâng lên đặt xuống” điều mình cần và có những thứ phải nên bớt lại. Bởi vì chỉ khi ta biết đủ thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn rất nhiều.
Có thể do ảnh hưởng từ gia đình, tôi quan niệm vợ chồng là chuyện cả cuộc đời nên phải biết nhường nhịn nhau. Người nhường nhịn là người thắng, thắng ở đây là giữ được cả gia đình chứ không phải thắng trong cuộc tranh luận giữa hai người. Giờ đây khi ở tuổi về hưu tôi cũng thấm thía nhường nhịn vẫn hơn (cười).
Tất nhiên làm không dễ, nhất là đối với phụ nữ, luôn phải cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình. Nếu dành toàn thời gian cho công việc, chắc chắn chuyện gia đình sẽ vướng, không vướng chuyện chồng thì con cái cũng không được dạy bảo đến nơi đến chốn vì vậy “hãy luôn cố gắng”.
Không ai cấm người phụ nữ đi làm hay bắt phải ở nhà nhưng chúng ta nên biết lùi một chút để có được nhiều thứ ý nghĩa lớn lao hơn, đến lúc đó thì là ta tiến chứ không phải lùi.
NĐT: Nếu như trước kia người ta nói phụ nữ cần “3 đảm đang”, “giỏi việc nước đảm việc nhà” vậy theo bà trong cuộc sống hiện đại đòi hỏi phụ nữ điều gì?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Vai trò của người phụ nữ trong gia đình là gì? Có thể mất lòng nhưng sự thật dù ở thời nào thì phụ nữ vẫn là người quán xuyến mọi việc trong nhà. Ở xã hội mới phụ nữ không chỉ làm nội trợ mà được vươn ra ngoài xã hội, được cống hiến, lao động theo khả năng của mình.
Nhưng thiên chức của phụ nữ vẫn là một người mẹ, chăm sóc con cái, giữ lửa gia đình, chúng ta không thể phó mặc chuyện đó cho chồng. Người chồng có thể chia sẻ việc nhà nhưng phụ nữ không nên quên đi thiên chức của mình. Vì vậy, dù có làm gì thì phụ nữ vẫn cần có một tổ ấm gia đình.
Để đạt được cả 2 thì phụ nữ phải biết phân chia quỹ thời gian và mức độ quan tâm một cách phù hợp. Có những lúc phải biết rút lui, từ chối, gác lại những công việc để dành thời gian giữ tổ ấm của mình. Lúc trẻ mình hăng say chạy theo những hoài bão quá lớn và xem nhẹ chuyện gia đình là không nên. Càng về già tôi càng thấy gia đình là nền tảng cực kỳ quan trọng!
Với tôi, dù ít thời gian, nhưng tôi cho rằng vẫn phải quan tâm đến nữ công gia chánh, không thể về đến nhà cơm nước đã xong xuôi hay làm món gì mình cũng không biết. Bản thân tôi cứ ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ làm xôi ngũ vị theo công thức học được từ mẹ. Món xôi rất đơn giản chỉ gồm: xôi, đậu xanh, vừng, dừa, đường nhưng khi biết chế biến sẽ trở thành món ăn rất lạ miệng.
Mỗi dịp Tết tôi cũng thường làm mứt quất nguyên quả, mứt vẫn còn cả lá, cuống và màu vàng của quất do mẹ chồng tôi hướng dẫn từ cách đây hàng chục năm. Trong gia đình, cũng có lúc bận, cũng có lúc đi xa nhưng người phụ nữ cũng cần là người kết nối thế hệ trước và sau, chú ý đến truyền thống vì đó là nơi để con cháu, gia đình, họ hàng học hỏi, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau.
NĐT: Thu nhập của các nhà khoa học là nỗi trăn trở, bàn luận từ nhiều năm nay, theo bà, chúng ta cần có những đãi ngộ nào với các nhà khoa học, đặc biệt là các nữ khoa học?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Đúng là chế độ lương cho người làm khoa học ở nước ta hiện nay chưa đúng với nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Có một số nhà khoa học phải bỏ niềm mơ ước, rời công việc nghiên cứu đang thực hiện chuyển sang nghề nghiệp khác để có thu nhập tốt hơn.
Nhiều người có trình độ ngoại ngữ tốt họ chọn tham gia vào làm việc tại các tổ chức quốc tế, các công ty nước ngoài, mức lương khác hẳn so với việc ngồi làm việc trong ở phòng Thí nghiệm nghiên cứu hay ở viện nghiên cứu, của các trường đại học trong nước. Nhưng cũng có một số lượng không nhỏ các nhà khoa học năng động, biến kết quả nghiên cứu của mình để làm thành các sản phẩm thương mại giúp đỡ phần nào đời sống kinh tế cho bản thân. Hoạt động này tôi rất khuyến khích vì kết quả nghiên cứu Khoa học kĩ thuật cần có sự thử nghiệm và ứng dụng trong thực tế chứ không nên chỉ bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học xong là “cất vào tủ”.
Vẫn còn nhiều điều rất khó khăn, nhưng tình hình hiện nay cũng đã ổn định dần, tôi hy vọng thời gian tới sẽ có những chính sách thực sự xứng đáng cho những nhà khoa học để họ yên tâm bám nghề.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, xin chúc bà thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống!
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.