Không ngơi nghỉ sau khi về hưu, các nữ nhà báo của câu lạc bộ nhà báo nữ việt nam tiếp tục lăn xả với công việc thiện nguyện. Những chuyến đi xa - gần của họ không chỉ để đến với những mảnh đời bất hạnh mà hơn cả là mong muốn lan tỏa tinh thần thiện nguyện trong cộng đồng.
Đoàn thiện nguyện Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam thăm hỏi, trao quà tại Trung tâm bảo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: CLB
Những chuyến đi không mỏi
Những ngày này, khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các nữ nhà báo của Đoàn thiện nguyện Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam lại tất bật với những chuyến đi. Ngoài các chuyến thiện nguyện về trung tâm báo trợ xã hội Hường Hà Nguyệt (ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên) và nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở chùa Thiên Hương (xã Dương Quan, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) vừa qua; Đoàn tiếp tục chuẩn bị cho chuyến đi vào tháng 7 tới, đến với những nữ thanh niên xung phong khó khăn, cô độc.
“Tiếp nối các năm trước, tháng 7 tới, dịp Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, chúng tôi sẽ triển khai lại chương trình đến với những thanh niên xung phong tại các địa phương. Năm nay đoàn thiện nguyện dự kiến sẽ về Hà Nam, trao quà hỗ trợ cho 50 cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn”, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, phụ trách Đoàn thiện nguyện câu lạc bộ Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam chia sẻ. Hăng hái, đầy nhiệt huyết, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung (năm nay đã 65 tuổi), đang lên kế hoạch cho nhóm thiện nguyện với “núi” công việc cho các sự kiện sắp tới.
“Hàng năm, Đoàn thiện nguyện chúng tôi liên tục tổ chức các đợt hỗ trợ vào các dịp như: Trao quà dịp Tết; hỗ trợ cung cấp vốn, giống cho phụ nữ nghèo vào dịp 8/3; hỗ trợ bà con lao động nghèo vào dịp 1/5; hỗ trợ trẻ em nghèo dịp 1/6; hỗ trợ thanh niên xung phong vào tháng 7; từ tháng 10 tập trung cho việc hỗ trợ cho người dân các vùng bão lũ; những ngày giáp Tết thăm hỏi bệnh nhi tại bệnh viện, nấu cơm từ thiện tại các bệnh viện như: Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện K… Bên cạnh đó, Đoàn thiện nguyện còn nhiều hình thức nuôi đỡ đầu, thường xuyên hỗ trợ trẻ mồ côi tại làng trẻ SOS…”, nhà báo Tuyết Nhung cho biết.
Giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ảnh: CLB
Từ năm 2002, khi thành lập Câu lạc bộ Nhà báo nữ đến nay, những chuyến đi thiện nguyện khắp đất nước cứ nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà báo nữ, mà người “cầm quân” đều là các nhà báo đã “có tuổi”, sau khi “gác bút” về hưu. Dù ngừng viết báo nhưng họ vẫn không ngừng quan tâm đến các vấn đề của xã hội, cộng đồng.
“Trong chuyến đi đến bản người Dao ở Văn Chấn (Yên Bái), nơi chỉ có khoảng 60 nóc nhà lá, chúng tôi chứng kiến bà con nghèo đói quá, mặt họ xanh tái dưới trời rét căm căm. Tìm hiểu mới biết, trước đây bà con có trồng cọ lấy dầu nhưng sau thương lái không thu mua nữa khiến bà con mất thu nhập. Khi trao quà xong cho bà con, chúng tôi đã nghĩ đến việc sẽ phải trở lại đây lần nữa. Vào dịp Trung thu năm sau, chúng tôi quay lại tổ chức cho các cháu một ngày hội thật tưng bừng. Trên sân, một mâm bánh kẹo với chiếc bánh nướng to hình chú lợn và đàn lợn con, cùng đèn ông sao, sách vở, bánh quà… khiến lũ trẻ vô cùng thích thú; niềm vui ấy cũng truyền sang cả chúng tôi. Nhân dịp trở lại, Đoàn cũng mua cho mỗi hộ gia đình một đàn gà gây giống cùng với một bao cám, 1 bao thóc để nuôi gà; xong mới yên tâm ra về”, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung kể.
Và còn rất nhiều những câu chuyện, những mảnh đời khó khăn đã được giúp đỡ, hoàn cảnh nào Đoàn cũng đến tận nơi, trao tận tay.
Kinh nghiệm làm báo để làm thiện nguyện
Với kỹ năng, phong cách làm việc của nhà báo, các chương trình thiện nguyện của Đoàn luôn được xây dựng một cách hiệu quả, chặt chẽ và đầy nhân văn.
Chia sẻ về chuyện “bếp núc” của công việc từ thiện, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung thẳng thắn: “Chúng tôi làm trên tinh thần thiện nguyện, công khai, minh bạch và rất vô tư. Trong công tác vận động, chúng tôi cũng luôn phải tôn trọng sự khéo léo, tinh tế, giàu lòng cảm thông, dù ít dù nhiều đều rất quý; bởi quan niệm của chúng tôi là ai có duyên thì tham gia. Bởi vậy, khi kêu gọi cho các hoàn cảnh, không nên quá bi lụỵ, sử dụng những hình ảnh thái quá làm người khác cảm thấy sợ hãi; phải giản dị, thực tế, thiết thực và quan trọng nhất là khơi dậy niềm vui thiện nguyện, mà niềm vui thì rất dễ nhân lên, rất dễ lan tỏa...”.
Các nhà báo trong Câu lạc bộ trong một chuyến từ thiện. Ảnh: CLB
Bởi vậy, Đoàn thiện nguyện của Câu lạc bộ nhà báo nữ có khoảng 100 người thường xuyên tham gia các hoạt động, tất cả đều cảm thấy thoải mái, thanh thản. Có những người hoàn cảnh còn khó khăn mà góp quá nhiều cho các đợt gây quỹ, các nhà báo cũng phải khuyên nhau đóng góp ở mức phù hợp, tuỳ hoàn cảnh gia đình. Bởi phương châm không cốt ở việc đóng góp nhiều hay ít mà các hoạt động này luôn đi cùng với mong muốn khơi dậy tinh thần thiện nguyện, tinh thần nhân văn trong con người.
“Chúng tôi làm thiện nguyện không vì thành tích mà tự thấy phải cố gắng, vì cộng đồng; cho nên dù việc nhỏ, việc lớn đều hoàn thành trong sự vô tư, vui vẻ. Lan tỏa tinh thần ấy, không chỉ chúng tôi mà chính người thân, bạn bè xung quanh cũng “xắn tay” đóng góp tiền bạc, công sức cùng các hoạt động của Câu lạc bộ. Đó chính là sự tin tưởng, sự truyền lửa từ những chân thành mà có được”, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ.
Vẫn “phiêu” như thuở làm nghề, mỗi chuyến đi thiện nguyện ấy với các nữ nhà báo vẫn là những chuyến trải nghiệm, khám phá, những mong mỏi đóng góp mà họ không muốn dừng.
Theo Báo Tin tức
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.