hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

TS Phan Thị Lan và hành trình đến với giải thưởng KIWIE 2024

16-07-2024
Từng nghe thành tích của TS.Phan Thị Lan, nghiên cứu viên Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc tại Triển lãm Quốc tế về sáng chế của phụ nữ năm 2024 (KIWIE – 2024) diễn ra tại Hàn Quốc tháng 6/2024, nhưng khi gặp chị tại Lễ vinh danh và trao giải do Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức ngày 2/7/2024 tại Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và Khởi nghiệp (COSTAS), thì tôi thật sự bất ngờ. Chị trẻ quá so với những gì đã làm được trong khoa học. Ngành khoa học mà chị theo đuổi hình như cũng không phù hợp lắm với một người phụ nữ có vẻ ngoài rất mềm mại và đôi khi yếu đuối như chị. Nhưng tất cả sự thật đang hiển hiện.

Như tin đã đưa, từ ngày 19 đến 22 tháng 6 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình kết nối của COSTAS, Đoàn Việt Nam gồm 12 nhà khoa học nữ đến từ các viện nghiên cứu và các trường đại học danh tiếng của Việt Nam đã tham dự Triển lãm Quốc tế về sáng chế của phụ nữ. Đoàn mang đi trình diễn 12 sáng chế và nhận được 13 giải thưởng, trong đó đoàn của VKIST đã vinh dự nhận được 2 giải thưởng là 1 giải thưởng lớn thứ 2 Semi-grand prize và 1 giải huy chương vàng Golden prize.

Giải Semi-Grand Prize trao cho sáng chế "Cảm biến khí Hydro sunphua, phương pháp nhận biết và phương pháp chế tạo". Đây là sáng chế cho nội dung đo lường nồng độ khí Hydro sunphua trong môi trường ở mức part per billion - ppb (phần tỷ). Công việc này được thực hiện từ việc phát triển ứng dụng Graphene đơn lớp kết hợp với các hạt nano kim loại để tạo ra đặc tính có tính chọn lọc và cảm biến độ nhạy cao. Sáng chế được ứng dụng trong lĩnh vực như An toàn công nghiệp; Giám sát môi trường; Sức khỏe và an toàn trong không gian công cộng và các khu dân cư. Đây là sáng chế số 10 – 1898584 do Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc cấp ngày 07/9/2018

Huy chương vàng với sáng chế số 10-2302790 do Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc cấp ngày 09/09/2021 về “phương pháp nhận biết cử động và thiết bị điện tử tương ứng” với nội dung khảo sát trên hơn 10.000 dữ liệu cử chỉ với độ chính xác nhận biết là 93%, trong đó có 4 cử động cơ bản được nhận biết với độ chính xác tới 98%. Sáng chế được ứng dụng trong điện tử tiêu đùng; công nghiệp ô tô/Tự động hóa dân dụng, thiết bị IoT; điều khiển và Robot, thực tế ảo và thực tế tăng cường.

Nhận giải lớn tại KIWIE 2024
Nhận giải lớn tại KIWIE 2024

Tại buổi lễ vinh danh và trao giải cho các nhà khoa học nữ vừa mang vinh quang về từ KIWIE 2024 do Hội Nữ trí thức Việt Nam và COSTAS tổ chức, TS Phan Thị Lan đại diện cho đoàn của VKIST (Viện Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam- Hàn Quốc) phát biểu, đã không nén được cảm xúc vinh dự và tự hào trước những thành tích mà đoàn nữ sáng chế Việt Nam nói chung và VKIST nói riêng giành được trong KIWIE 2024. Thậm chí, có lúc chị phải ngừng lại để kìm nén không cho những giọt nước mắt kịp tràn ra.

Sau buổi lễ, chị đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn, tuy ngắn nhưng đã nói lên được hành trình chị đến với KIWIE như thế nào.

PVXin chị cho biết một chút về chị trong khoảng thời gian chị học tập và làm việc tại Hàn Quốc.

TS Phan Thị Lan: Tôi có khoảng thời gian 13 năm, từ năm 2009 đến năm 2021 học tập và làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình học bổng SRD Trường đại học Dongguk, học bổng của UST. Trong khoảng thời gian ở đây, tôi được biết và có cơ hội giao lưu nhiều với mạng lưới các nhà nghiên cứu khoa học nữ tại nhiều viện nghiên cứu và trường đại học khắp Hàn Quốc thông qua tổ chức KWSE (Korean women scientist and engineers), cũng như được học hỏi, mở rộng nhiều ý tưởng và những sáng tạo khoa học của các nhà khoa học tâm huyết tại Viện khoa học công nghệ Hàn Quốc (KIST), cũng như có cơ hội tham gia các dự án cấp bộ có sự liên kết giữa viện nghiên cứu và công ty, doanh nghiệp tại Viện kỹ thuật điện tử Hàn Quốc (KETI).

5 năm tại trường đại học Dongguk, tôi học và tốt nghiệp TS nghiên cứu vật liệu plasma lạnh, là một trong những nền tảng cơ bản để tiếp tục phát triển ứng dụng về tổng hợp graphene đơn lớp trên tấm đồng bằng phương pháp phủ hơi hóa học- chemical vapour deposition (CVD) tại trường đại học Gachon năm 2015 và sau đó tiếp tục phát triển ứng dụng dope vật liệu nano sắt và nano bạc để tạo ra khả năng cảm biến, tương tác cực nhạy mức phần tỷ (part per billion-ppb) có chọn lọc cao với khí H2S. Kết quả của nghiên cứu được sử dụng để đăng ký sáng chế về "cảm biến khí hydro sunphua và phương pháp chế tạo" tại Hàn Quốc.

Công tác tại Viện KETI trong khoảng thời gian 2019 đến năm 2021, tôi được tham gia sâu vào các dự án cấp bộ và được tiếp xúc với phong cách làm việc theo dự án thực tế với cường độ họp tiến độ thường xuyên và hàng tuần. Các sản phẩm được phối hợp và lắp ghép với nhau có sự bàn bạc và hỗ trợ kỹ lưỡng từ các phía tham gia và đưa ra thiết kế phù hợp nhất cho sản phẩm cuối. Trong thời gian này, tôi làm việc với hệ bảng mạch gồm các cảm biến thời gian hành trình (time of flight- ToF) để nhận biết các tương tác không chạm là nội dung chính của các công việc và độ chính xác nhận biết cử chỉ trong trường nhìn thấy field of view (FoV) của bảng mạch cảm biến đạt mức 93%, là độ chính xác rất tốt vì đây là hệ có kích thước nhỏ, dùng cho các ứng dụng đeo được hoặc mang được - wearable devices. Đây chính là phần nội dung chính cho sáng chế về "Cảm biến cử chỉ và hệ thiết bị tương ứng". Sáng chế có thể ứng dụng cho các công nghệ về tương tác tự nhiên người máy và các ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường AR-VR hoặc tương tác trong hệ IoT.

Mỗi ngày làm việc tại KETI là bao gồm hành trình đưa con đi học, hòa cùng dòng người chen chúc tại các nhà ga của hệ thống tàu điện nội thành của Seoul, là những khoảnh khắc chạy băng qua quảng trưởng của thành phố kỹ thuật số (digital media city) nơi trung tâm của nhiều hãng tin tức và truyền hình lớn HQ, để đến văn phòng làm việc. Và nụ cười của các bác bảo vệ tòa nhà mỗi sáng với cử chỉ chào nhà binh tiếp sức cho tôi cảm thấy ngày hôm nay mình cần làm việc nghiêm túc hơn. Hơn 2 năm đồng hành trong các dự án, có những lúc tưởng chừng không thể tiếp tục và có lẽ phải dừng lại, nhưng tôi và nhóm nghiên cứu vẫn gác lại những khó khăn để tiếp tục làm việc kiên trì, kết quả là các dự án đều được bảo vệ thành công.

Cùng các đồng nghiệp tại Viện KIST
Cùng các đồng nghiệp tại Viện KIST

PVVâng, chị đã cho chúng tôi hiểu phần nào về hành trình 13 năm học và làm việc tại các trường đại học, các Viện nghiên cứu của Hàn Quốc, làm tiền đề để chị cùng đồng nghiệp được lựa chọn tham dự KIWIE 2024 và đạt nhiều giải thưởng danh giá. Vậy còn với VKIST thì sao, thưa TS Phan Thị Lan?

TS Phan Thị Lan:

Tôi trở về VKIST trong nhiều tâm trạng, vừa mừng vì viện VKIST được thành lập theo mô hình của viện KIST và được định hướng để có những đóng góp cho phát triển nền KH-CN Việt Nam như KIST đã từng làm với Hàn Quốc (kỳ tích sông Hàn). Những điều này có thể coi như là thuận lợi với tôi khi viện KIST cũng là nơi tôi đã trải qua 5 năm để quan sát và học hỏi trong môi trường được đầu tư, chăm chút, những máy móc công nghệ hiện đại và tràn đầy sáng tạo. Tuy nhiên tôi cũng lo lắng vì ở Việt Nam mọi thứ có thể sẽ rất khác, và khả năng thích nghi, thích ứng với điều kiện ở VN ra sao trong quá trình nghiên cứu để có thể đóng góp một phần công sức của mình vào sứ mệnh và nhiệm vụ lớn lao này. Hơn 2 năm cố gắng làm việc và hòa nhập với môi trường nghiên cứu mới, tôi hiểu rằng có rất nhiều rào cản dành cho nhà nghiên cứu trong môi trường làm việc ở VN, đặc biệt là với phụ nữ. Mỗi câu chuyện thành công của những nhà khoa học tại VKIST, và đặc biệt là những nhà khoa học nữ của VKIST đều mang lại cho tôi những khoảnh khắc Ô, A, WoW và cảm nhận rõ ràng rằng thế giới thật là rộng lớn, người VN rất giỏi và cần cố gắng hơn. Tôi mong rằng bản thân có đủ tình yêu và dam mê dành cho khoa học và con người, đủ trí tuệ và đủ sức khỏe để có thể tiếp tục hành trình này và được đóng góp nhiều hơn nữa cho Khoa học ứng dụng- khoa học vị nhân sinh mà VKIST đang hướng tới.

PV: Tại buổi lễ vinh danh do Hội Nữ trí thức và COSTAS tổ chức hôm 2/7/2024, chị có nhắc đến hình ảnh chiếc chong chóng mà Ban tổ chức KIWIE 2024 đã lựa chọn làm biểu tượng rồi chị kết luận: Chong chóng chỉ có thể quay khi có gió. Nếu hành trình làm khoa học của chị là một chiếc chong chóng, thì với chị, những gì sẽ làm nên “gió”?

TS Phan Thị Lan: Tôi rất vui và vinh dự về những giải thưởng này. Tôi nghĩ rằng, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học nữ như chúng tôi, dù bản thân có nỗ lực đến mấy, sẽ không thể có được những thành tựu trọn vẹn hữu ích.

Hình ảnh chủ đạo trong buổi lễ khai mạc của triển lãm quốc tế phụ nữ KIWIE 2024 được sử dụng là chiếc chong chóng quay trong gió. Đối với tôi, đây giống như một thông điệp rằng các chị em phụ nữ làm nghiên cứu khoa học hãy cố gắng hơn nữa vì BTC ( KIPO, WIPO, các cơ quan liên quan từ hơn 20 quốc gia trên thế giới) đang làm việc để có thêm nhiều động lực, thêm nhiều luồng gió mới mạnh mẽ hơn giúp cho các chị em sẽ được nâng lên và tỏa sáng, phát huy được thế mạnh và tố chất của bản thân, như những chiếc chong chóng xinh đẹp quay trong gió.

Tại lễ vinh danh ở Hội Nữ trí thức
Tại lễ vinh danh ở Hội Nữ trí thức

PVCảm ơn chị đã chia sẻ những tâm sự từ đáy lòng. Chúc chị và các đồng nghiệp của mình tiếp tục đam mê, tiếp tục cống hiến. Và những “chong chóng hồng” là các nhà khoa học nữ sẽ luôn được tiếp gió để quay.

Ngày làm việc của TS Phan Thị Lan tại VKIST
Ngày làm việc của TS Phan Thị Lan tại VKIST

TS.Phan Thị Lan, nghiên cứu viên Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc

Tốt nghiệp trường ĐH Bách Khoa Hà Nội vào 2006, nhận bằng ThS tại đây năm 2009 lĩnh vực Kỹ thuật điện/ Hệ thống điện, đồng thời là giảng viên trường ĐH Kỹ Thuật Công Nghiệp Thái Nguyên.

Cuối 2009, TS. Phan Thị Lan sang Hàn Quốc học nghiên cứu sinh chuyên ngành Điện-Điện Tử của trường Dongguk tại Seoul, Hàn Quốc, tốt nghiệp năm 2014. Sau đó TS. Phan Thị Lan có quá trình làm việc tại Đại Học Gachon, Viện Khoa Học và Công Nghệ Hàn Quốc (KIST), Viện Kỹ Thuật Điện Tử Hàn Quốc (KETI)

TS. Phan Lan có trên 15 ấn phẩm báo uy tín, sách và ẩn phẩm hội nghị (đa số là tác giả chính) và 5 bằng sáng chế đã cấp và nộp đơn hợp lệ.

 

 

In bài viết
Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.