hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Gắn kết nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là bí quyết thành công của khoa học

14-02-2022

Giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2021 vừa chính thức vinh danh các nhà khoa học khu vực ASEAN. Việt Nam có 3 nhà khoa học nữ nằm trong danh sách này. ĐH Bách khoa Hà Nội có 2 nhà khoa học nữ nhận được giải thưởng năm nay, là GS.TS Lê Minh Thắng* (giải Sáng tạo xuất sắc) và ThS Đặng Thị Tuyết Ngân  (giải Khuyến khích). Nhân dịp này, chúng tôi đã trò chuyện với GS Lê Minh Thắng để tìm hiểu rõ hơn về hành trình đến thành công của cá nhân chị nói riêng và nữ trí thức ĐH Bách khoa nói chung.

z3182506408240_43a85a9bc5490b5ae406791fcc38f579

PV: Xin chị cho biết lý do nghiên cứu đề tài “Xúc tác từ hỗn hợp các oxyt kim loại chuyển tiếp và công nghệ để xử lý khí thải, nước thải công nghiệp và dân dụng”? Đây là một nghiên cứu thường niên hay một nhiệm vụ đột xuất, theo đơn đặt hàng?

GS.TS Lê Minh Thắng: Thực ra tôi đã bắt đầu những nghiên cứu đơn giản đầu tiên về xúc tác xử lý khí thải ô tô, xe máy khi còn học ThS tại ĐH Bách khoa HN năm 1999 vì thời điểm đó, xúc tác xử lý khí thải động cơ đốt trong mới được quan tâm. Sau này, làm nghiên cứu sinh với hướng nghiên cứu khác nên tôi bỏ bẵng nghiên cứu này một thời gian dài. Đến năm 2009, tôi mới tiếp tục đề xuất lại nghiên cứu vì lúc đó vấn đề khí thải xe máy có thời gian sử dụng lâu không đạt tiêu chuẩn đang là một vấn đề nổi cộm. Sau quá trình nghiên cứu trong 1 dự án hợp tác với trường đại học Gent Vương quốc Bỉ, có những thành công nhất định về một loại xúc tác không đi từ kim loại quý, có hiệu quả cao, phù hợp để ứng dụng tại các nước đang phát triển như ở VN, tôi cứ thế tiếp tục nghiên cứu một cách tự nhiên và mở rộng ra ứng dụng với khí thải công nghiệp từ các quá trình đốt cháy than, chất hữu cơ hoặc nhiên liệu. Tôi nhận thấy môi trường của các nhà máy công nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam còn rất nhiều vấn đề phải quan tâm xử lý, trong khi đó những nhà máy này không có nhiều kinh phí để đầu tư cho vấn đề môi trường; khí thải của các nhà máy này cũng chủ yếu là khí thải từ quá trình đốt cháy các chất hữu cơ nên rất phù hợp với dòng xúc tác của tôi. Vì vậy, nghiên cứu “Xúc tác từ hỗn hợp các oxyt kim loại chuyển tiếp và công nghệ để xử lý khí thải, nước thải công nghiệp và dân dụng” là một nghiên cứu xuyên suốt, liên tục và có nhiều nhánh ứng dụng đặc thù khác nhau.

PV: Hành trình của nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến môi trường áp dụng thực tiễn? Nó có gì đặc biệt hơn so với những nghiên cứu khác? Chị có thể cho biết những nơi mà nghiên cứu của chị đã được áp dụng một cách hiệu quả?

image001

Thiết bị xử lý khí thải quá trình nhiệt phân cao su phế thải quy mô pilot

 

GS Lê Minh Thắng: Khi ứng dụng ra thực tiễn sẽ có nhiều điều cần phải quan tâm hơn trong phòng thí nghiệm để có thể sản xuất với số lượng lớn, độ lặp lại cao, chi phí tối ưu, phương pháp sản xuất phù hợp với điều kiện Việt Nam nên cần phải có con mắt nhìn thực tế, có khả năng triển khai cụ thể. Hơn nữa, việc đi tìm hiểu thực tế tại nơi sản xuất để có thể ứng dụng phù hợp nhất với điều kiện của họ là rất quan trọng nên còn phải lăn lộn, phải tiếp cận những công việc rất vất vả. Nhưng khi có thể thấy sản phẩm nghiên cứu của mình trong phòng thí nghiệm được ứng dụng thành công trên một nhà máy thực tế thì rất vui vì cảm thấy những nghiên cứu miệt mài, tỉ mỉ rất tốn thời gian và sự phân tích, lập luận cẩn trọng trong phòng thí nghiệm cuối cùng rồi cũng có giá trị cho xã hội vì có thể triển khai được và khẳng định sự thành công. Đề tài nghiên cứu khoa học “Xúc tác từ hỗn hợp các oxyt kim loại chuyển tiếp và công nghệ để xử lý khí thải, nước thải công nghiệp và dân dụng” đã được ứng dụng có hiệu quả nhất định tại một số nhà máy nhiệt phân cao su phế thải và trên một số dòng xe máy cao cấp đã qua sử dụng, được cục đăng kiểm công nhận đạt tiêu chuẩn về khí thải động cơ.

PV: Việc ứng dụng NCKH, chuyển giao công nghệ của các nghiên cứu tại ĐHBK trong thời gian gần đây có nhiều cải thiện? Chị có thể cho biết nguyên nhân?

GS Lê Minh Thắng: Theo tôi, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại ĐH Bách khoa hiện nay là sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng chứ không chỉ đơn thuần đứng một chân ở mảng nào nên dễ dàng tiếp cận tới thành công nhiều hơn. Bên cạnh đó, mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp rất được chú trọng trong thời gian gần đây giúp cho các nhà nghiên cứu có nhiều thông tin hơn về những vấn đề doanh nghiệp đang cần, còn doanh nghiệp cũng hiểu rõ hơn các thầy cô trong trường đại học có thể làm được những gì để đặt hàng đúng và trúng. Ngoài ra, xã hội ngày càng nảy sinh những nhu cầu mới cho cuộc sống và sức khỏe nên các nhà khoa học cũng có nhiều ý tưởng ứng dụng hơn.

image005Lê Minh Thắng làm việc với các sinh viên trong nhóm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

 

PV: Xin chị giới thiệu một chút về Chi hội Nữ trí thức ĐHBK Hà Nội. Là một chi hội non trẻ nhưng có sức mạnh tiềm năng về khoa học, chị có thể cho biết những định hướng hoạt động của Chi hội năm 2022. Chị có đề xuất gì với Hội Nữ trí thức VN để hỗ trợ các Nữ trí thức BK trong hoạt động chuyên môn và hoạt động xã hội?

GS Lê Minh Thắng: Chi hội Nữ trí thức ĐH Bách khoa HN mới được thành lập tháng 10/2020, với hơn 100 hội viên, trong đó có 5 GS, 36 PGS, 55 TS. Tuổi đời chi hội thì non trẻ nhưng hầu hết các hội viên đã có bề dày nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhiều năm. Khi chi hội được thành lập, chúng tôi chỉ cố gắng tạo ra một môi trường năng động, tích cực và nhiều thông tin để các chị em tự tin chia sẻ những thế mạnh của mình, có thêm động lực, thêm thông tin, và thêm các cơ hội được kết nối để phát triển chuyên môn của mình. Chi hội cũng tích cực trong việc truyền niềm say mê khoa học cho các học sinh phổ thông, và sinh viên, đặc biệt là nữ. Trong năm 2022, Chi hội dự kiến tiếp tục các hoạt động với mục tiêu này như hàng tháng tổ chức Chuỗi bài giảng đại chúng khoa học, công nghệ và cuộc sống để khơi dậy niềm say mê khoa học và các hiểu biết cơ bản về một số lĩnh vực khoa học công nghệ chuyên ngành có đặc thù dành cho sinh viên và học sinh phổ thông, tham gia dự án Nữ kỹ sư để truyền cảm hứng cho các nữ sinh viên ngành kỹ thuật, kết nối các hoạt động với các doanh nghiệp, triển khai các hoạt động hợp tác với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, tham gia các hoạt động triển lãm công nghệ và sản phẩm, sở hữu trí tuệ... Chi hội mong muốn được chia sẻ các thông tin về các hoạt động khoa học công nghệ, hơp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp của Hội Nữ trí thức VN, được hội NTT VN ủng hộ trong các hoạt động của hội, được hội NTT VN giới thiệu các gương mặt tiêu biểu của chi hội và đề xuất khen thưởng những cá nhân tiêu biểu để động viên các chị, em.

Xin được cảm ơn những chia sẻ của chị. Chúc chi hội NTT BK ngày càng phát triển, phát huy được thế mạnh sẵn có của mình, đóng góp cho hoạt động của Hội NTT nói riêng và xã hội nói chung. Hội NTT Việt Nam cũng xin ghi nhận những đề xuất, mong muốn của các chị để chi hội NTT BKHN sẽ tiếp tục là một chi hội mạnh của Hội NTT VN.

NGUYỄN THỊ TRÂM  (thực hiện)

GS. Lê Minh Thắng từng là Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Trường (2014-2016). Hiện GS. Lê Minh Thắng là Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trường Đại học Bách khoa HN; Điều phối viên Dự án Trao đổi sau Đại học RoHan (Rohan SDG graduate school), “Xúc tác – chìa khóa để phát triển nguồn lực bền vững” (CATALYSIS AS KEY TOWARDS SUSTAINABLE RESOURCE MANAGEMENT), hợp tác giữa Đại học Rostock, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học KHTN-Đại học Quốc gia HN, do DAAD tài trợ.
Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.