GS.TS. Đặng Kim Chi là một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về kỹ thuật bảo vệ môi trường ở Việt Nam, đồng thời nằm trong số ít những người đầu tiên đưa ra khái niệm “Bảo vệ môi trường làng nghề” từ hơn 2 thập kỷ trước. Ở tuổi cổ lai hy, bà vẫn luôn trăn trở : Làm thế nào để làng nghề xanh, sạch mà vẫn không mất đi nét duyên dáng, duy tình từ một làng quê.
GS.TSKH Đặng Kim Chi kiểm tra thiết bị hấp thụ để đo mức độ ảnh hưởng tới môi trường từ các làng nghề
PV: Thưa bà, vì sao bà chọn Bảo vệ Môi trường làng nghề là đối tượng nghiên cứu suốt hai thập kỷ qua?
GS.TS. Đặng Kim Chi: - Cơ duyên đến với môi trường làng nghề là vào năm 1998, tôi được một chuyên gia Mỹ mời tham gia nghiên cứu vấn đề môi trường tại cơ sở sản xuất thủ công quy mô nhỏ và rất nhỏ ở Việt Nam. Để tìm các cơ sở sản xuất này ở Việt Nam thì chỉ tìm đến các làng nghề. Sau này đi sâu tìm hiểu và cùng các đồng nghiệp thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước KC.08-09: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề Việt Nam” tôi thấy, môi trường làng nghề có rất nhiều điều thú vị và khác biệt.
PV: Đó là gì, thưa bà?
GS.TS. Đặng Kim Chi: - Làng nghề tuy hình thành và phát triển ở vùng nông thôn nhưng ô nhiễm lại không giống ô nhiễm môi trường nông nghiệp (ô nhiễm do hoạt động trồng trọt hoặc chăn nuôi…). Làng nghề sản xuất sản phẩm tiểu thủ công phi nông nghiệp song ô nhiễm lại không giống ô nhiễm môi trường công nghiệp (ô nhiễm môi trường tại làng nghè là tập hợp từ nhiều nguồn điểm nhỏ phát sinh chát thải, xen kẽ trong các hộ gia đình, khu dân cư , không phải ô nhiễm từ các nguồn thải lớn từ cục bộ trong khuôn viên nhà máy ). Để nhận dạng môi trường làng nghề phải xác định các đặc thù của làng nghề.
PV: Bà xác định các đặc thù này như thế nào?
GS.TS. Đặng Kim Chi: - Để nghiên cứu làng nghề, chúng tôi tự xác định một số tiêu chí. Làng nghề nằm tại vùng nông thôn, sản xuất sản phẩm phi nông nghiệp, tận dụng lao động lúc nông nhàn kết hợp với một số lao động có kinh nghiệm. Điều đặc biệt của làng nghề là cơ sở sản xuất nằm ngay trong hộ gia đình. Quan hệ sản xuất chủ yếu theo quan hệ dòng tộc, làng xóm. Bởi thế khi xảy ra ô nhiễm sẽ gây tác động trực tiếp trước hết đến người dân, ở mọi lứa tuổi sống gần ngay tại nguồn . Khác với ô nhiễm công nghiệp là tập trung ở một khu vực nhà máy và chỉ công nhân ở tuổi lao động bị ảnh hưởng đầu tiên .
PV: Để hạn chế ô nhiễm tại chỗ đã có giải pháp di dời làng nghề ra một khu vực xa khu dân cư?
GS.TS. Đặng Kim Chi: - Đây không phải là giải pháp tối ưu cho mọi làng nghề. Có rất nhiều vấn đề xảy ra khi chúng ta di dời làng nghề ra cụm công nghiệp. Tôi đã chứng kiến ở một số làng nghề, người dân rất hào hứng di dời. Ban đầu ông chủ và mấy đứa cháu ra mở xưởng. Hàng ngày bà vợ mang cơm ra, sau bà để cái nồi cơm điện ở xưởng cho tiện, rồi ở lại phục vụ hậu cần. Khi sản phẩm cần phải đóng gói lại cần đến bà mẹ già hay những đứa con ra phụ việc. Họ mang theo cái tivi xem lúc rảnh rỗi rồi ngủ lại. Cuối cùng cả gia đình di dời ra đấy. Thành ra vấn đề giải quyết ô nhiễm không được thực hiện mà cụm công nghiệp lại trở thành cụm giãn dân.
Tuy nhiên, cũng có làng nghề đáp ứng tốt với việc di dời ra cụm công nghiệp. Khi đó làng nghề được chuyển hóa mang tính chất xí nghiệp công nghiệp nhiều hơn.
GS.TS Đặng Kim Chi đi thực tế tại mỏ vàng Phước Sơn
PV: Hiện nay nhiều làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng đó là sinh kế của cả làng. Vậy giải quyết vấn đề này như thế nào?
GS.TS. Đặng Kim Chi: - Ở vùng nông thôn, các làng có nghề rõ ràng thu nhập tốt hơn các làng thuần nông. Bởi vậy, việc duy trì các làng nghề là cần thiết, là nhu cầu của bà con, là nét đẹp riêng của nông thôn Việt nam, tuy nhiên cũng cần phải hạn chế ,không khuyến khích các loại hình làng nghề có tiềm năng gây ô nhiễm lớn, ví dụ như các làng nghề tái chế phế liệu, chất thải. Mặt khác, vấn đề môi trường cần xử lý rất linh hoạt. Xét về các biện pháp kỹ thuật, chính sách, việc xử lý môi trường làng nghề không căn cứ vào quy mô làng nghề, làng nghề truyền thống hay mới hình thành mà cần dựa vào loại hình sản xuất để có cơ sở đưa các loại hình công nghẹ và kí thuật kiểm soát ô nhiễm hiệu quả và khả thi. Trong những năm qua, việc xây dựng hệ thống chính sách, đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho môi trường làng nghề đã được đầu tư khá nhiều. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn nhức nhối là bởi chủ thể của các làng nghề chưa thực sự thay đổi về nhận thức. Bên cạnh việc xây dựng chính sách, hướng dẫn giải pháp, có lẽ vấn đề này phải do chính người dân làng nghề giải quyết.
PV: Vì sao vậy, thưa bà?
GS.TS. Đặng Kim Chi: - Làng nghề nằm trong thực thể làng xã, với quan hệ sản xuất mang tính chất họ hàng dòng tộc, làng xóm rất chặt chẽ, thiên về duy tình. Ít khi họ hàng, làng xóm tố cáo nhau về việc ô nhiễm hay quan hệ giữa cán bộ chính quyền địa phương và chủ cơ sở sản xuát đang gây ô nhiễm lại là quan hệ họ hàng , dòng tộc. Phải ứng xử với làng nghề như với mô hình làng xã của Việt nam , nếu “tây hóa”, đô thị hóa thì không ổn. Khi các biện pháp hành chính, cưỡng chế ít có hiệu quả cần tìm các giải pháp khác. Đôi khi “phép vua thua lệ làng”. Nhiều địa phương đã thành công trong việc lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường vào hương ước, vào hoạt động tuyên truyền của các hội đoàn thể hay tổ chức tôn giáo.
PV: Một mùa xuân mới đang về, bà có lời chúc gì cho môi trường Việt Nam?
GS.TS. Đặng Kim Chi: Tôi có một lời cầu mong cho môi trường Việt Nam nói chung và môi trường làng nghề nói riêng ngày càng tốt đẹp, càng trong sạch, ít thảm họa, sự cố. Để điều đó thành hiện thực, đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm của toàn dân, của mỗi người.
PV: Xin trân trọng cảm ơn và chúc bà đón một mùa xuân mới nhiều an vui, hạnh phúc!
MINH ĐĂNG (thực hiện)
HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM
Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022
Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com
Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực
Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.