hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Hành trình ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của PGS.TS Nguyễn Thị Hiền

19-12-2022
Từ năm 2006, biết bao di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO ghi danh đều do PGS.TS Nguyễn Thị Hiền chấp bút.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền vốn là giảng viên Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp (nay là ĐH KHXH&NV). Năm 1996, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền nhận học bổng của Viện Harvard-Yenching để theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về Văn hóa Dân gian tại Đại học Indiana (Mỹ).

pgs-nguyen-thi-hien-1432

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền


Sau chín năm học tập và tu nghiệp, bà về nước công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Thời gian đó, Viện đang làm hồ sơ ghi danh Quan họ Bắc Ninh giai đoạn 2. Có lợi thế ngoại ngữ, lại được ban lãnh đạo tin tưởng, bà tham gia công tác dịch thuật ra tiếng Anh và chỉnh sửa hồ sơ. Chính cơ duyên này đã gắn kết bà với công việc xây dựng hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Với bản tính là người chỉn chu, cẩn thận, làm gì cũng nghiên cứu đến khi ra vấn đề, trong nhiều năm liền, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền bỏ tâm huyết tra cứu, tổng hợp các tài liệu về hướng dẫn làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Đồng thời, bà luôn để tâm quan sát những hồ sơ đã được ghi danh của các quốc gia khác, từ đấy đúc rút cách viết sao cho vừa cô đọng, vừa tinh tế, lại thể hiện đầy đủ tinh thần Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể.

Với những quy định chặt chẽ, để thỏa mãn tiêu chí ghi danh, người chấp bút hồ sơ phải viết đi viết lại rất nhiều lần. Ví dụ, với tiêu chí về mô tả, nhận diện Nghệ thuật Xòe Thái bằng 250 từ, ban đầu PGS.TS Nguyễn Thị Hiền phải viết 500 từ bằng tiếng Việt. Sau đó đưa ra Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của đại diện cộng đồng và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xin ý kiến, chỉnh sửa, cắt gọt còn khoảng 300. Từ đây, bà dịch ra tiếng Anh ở mức 270 từ rồi chuyển cho người bản ngữ hiệu đính. Hiệu đính về, bà xem lại một lần nữa, cắt những từ không cần thiết để cuối cùng thành quả là phần trả lời súc tích nhưng vẫn đủ ý nghĩa để các chuyên gia hiểu Xòe Thái là gì.

Theo nữ PGS, quá trình làm hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái, di sản mới nhất của Việt Nam vừa có tên trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, rất nhanh chóng và thuận lợi. Phần do Nghệ thuật Xòe Thái vốn đậm đặc tinh thần Công ước 2003. Phần nhờ cộng đồng người Thái có ý thức bảo vệ di sản rất tốt, các nghệ nhân không chỉ truyền dạy mà còn xây nhà sàn phục vụ trình diễn, dạy tiếng Thái cho thế hệ trẻ. Một điều đáng nói khác, hồ sơ Xòe Thái hiện đang là hồ sơ di sản phi vật thể duy nhất của Việt Nam nhận được lời khen là “một hồ sơ tốt” trong Quyết định chính thức ghi danh của Ủy ban Liên chính phủ.

xoe-1433

Xoè Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể.

Để chuẩn bị cho việc xây dựng một hồ sơ, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền phải đọc tất cả tài liệu từng nghiên cứu về di sản ấy. Thế nhưng vẫn có trường hợp để tìm 250 từ mô tả, nhận diện di sản theo tinh thần Công ước 2003, sách vở là chưa đủ, bà buộc phải lặn lội về địa phương để phỏng vấn. Câu chuyện đáng nhớ nhất bà chia sẻ là hành trình đi tìm mô tả cho Ví Giặm. Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu kỳ cựu ở Việt Nam từng làm về đề tài này, nhưng các công trình chủ yếu nghiên cứu ngôn từ, âm nhạc, còn khía cạnh văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm. Nên khi cần viết 250 từ mô tả, bà nhận ra nếu viết chung chung, Ví Giặm cũng sẽ như những dân ca khác. Vậy là bà quyết định vào Nghệ An, Hà Tĩnh, phỏng vấn những nghệ nhân, nghệ sĩ và người dân sinh sống nơi đây để tìm ra câu trả lời. Cứ như vậy, các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể lần lượt do PGS. TS Nguyễn Thị Hiền chấp bút để rồi phần đa trong số đó trở thành những danh xưng được thế giới biết đến như: Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Hội Gióng; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và Nghệ thuật Xòe Thái và sắp tới là Nghề làm tranh Dân gian Đông Hồ.

Năm 2017, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền đã trở thành người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng Thẩm định, Công ước 2003 nhiệm kỳ 2017-2020. Hội đồng gồm 12 chuyên gia đại diện các châu lục do Ủy ban Liên chính phủ bầu theo hình thức bỏ phiếu kín. Đây là những người có thẩm quyền đề xuất ghi danh một di sản vào các Danh sách đại diện, khẩn cấp, chương trình phản ánh thực hành tốt và xin tài trợ Quỹ Di sản Văn hóa phi vật thể UNESCO trên 100.000 đô la Mỹ.

Với quá trình thẩm định hàng trăm hồ sơ, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng một bộ hồ sơ tốt. Đây là tri thức vô cùng quý báu để bà tiếp tục truyền đạt, tư vấn trong công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng các tiêu chí ghi danh của UNESCO. Hiện bà cũng đang là giảng viên phụ trách ngành Di sản của Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN. Trong thời gian tới, bà cùng các cộng sự sẽ tiếp tục xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam nhằm bào tồn và phát huy giá trị của những di sản đó.

Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.