hoi_nu_tri_thuc_1
Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo

Nâng cao chất lượng giáo dục

03-09-2013

Nâng chất lượng giáo dục:

Cần môi trường xã hội lành mạnh

GS.TSKH PHẠM THỊ TRÂN CHÂU

 (Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam,

Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học- Giáo dục UBTƯ MTTQVN)

 

Với thực trạng trạng giáo dục (GD) nước ta hiện nay, để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước đến năm 2020 và những năm sau đó, thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại là một vấn đề lớn và khá phức tạp...

Chú trọng đến xây dựng đội ngũ

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng chất lượng GD là đội ngũ giáo viên. Ở tất cả các cấp, ngày nay giáo viên được đào tạo theo hệ thống khá cơ bản nhưng hình như tỉ lệ người thầy có tâm huyết, trách nhiệm cao, hết lòng vì sự nghiệp dạy học không còn cao như trước. Việc tự bồi dưỡng, thường xuyên đào tạo lại, để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho giáo viên, hòan tòan có thể thực hiện được, không khó như trước đây.

Làm thế nào để tâm người thầy trong sáng hơn được coi là vấn đề mấu chốt, đòi hỏi các giải pháp tổng thể mà riêng ngành GD không thể làm được. Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội đã xâm nhập vào một bộ phận không ít giáo viên, những người mà học trò thường noi gương theo, nhất là ở bậc học từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở. Ở các bậc học này, giáo viên nữ lại chiếm tỉ lệ rất lớn, vì vậy Hội PN, các tổ chức liên quan cần tích cực vào cuộc, góp phần làm cho đội ngũ nữ giáo viên trở thành những người gương mẫu nhất (từ ngôn từ, tác phong, cách ứng xử...)- thực sự là những cô giáo giỏi, người mẹ hiền, hiện đại mà vẫn đậm đà phẩm chất PNVN.

Để nâng cao chất lượng, vấn đề mấu chốt và trước hết là cần xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GD mẫu mực, ít nhất là phải liêm khiết. Cần đặt một yêu cầu quan trọng là: Nhà trường không có tham nhũng, là một đơn vị xã hội ít tiêu cực nhất (cũng là để có nhà trường thân thiện), từ đó lan tỏa ra tòan xã hội .

Thực ra phần lớn giáo viên chọn nghề dạy học, không phải vì muốn làm giàu và cũng biết khó làm giàu bằng nghề dạy học. Vì vậy, việc có các chính sách đảm bảo nhu cầu thiết yếu về đời sống và điều kiện làm việc của họ, sẽ là một trong các biện pháp làm giảm bớt những tiêu cực trong đội ngũ giáo viên.

Gia đình, phụ nữ, những người mẹ, những cô giáo cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc giáo dục con cái có động cơ học tập đúng đắn, không chấp nhận sự giả dối, háo danh để có thể hy vọng góp phần xóa bỏ "tấm bằng thật nhưng chất lượng giả". Mặt khác, Nhà nước cần có các quy định chặt chẽ để xã hội nhất là các bộ máy công quyền và mọi cơ sở sử dụng nhân lực, chỉ tuyển dụng những người có trình độ thực sự tương xứng với bằng cấp mà người đó sở hữu, chứ không đơn thuần chỉ đòi hỏi bằng cấp một cách hình thức.

Quan tâm đến người học

Tôi cũng đề xuất thêm một số giải pháp cụ thể về chính sách đối với người học, vấn đề quản lý GD, đầu tư cho GD. Theo đó, chính sách đối với người học (học bổng, miễn giảm học phí, cho vay tín dụng) cầnđúng đối tượng, đủ mức cần thiết; tiêu chí và quy trình xét cần công khai, minh bạch.

Ngoài đối tượng sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cần mở rộng đối tượng cho vay đến cả các học viên cao học, nghiên cứu sinh (NCS) thực hiện luận án tại Việt Nam, cần ưu tiên đối với nữ. Làm được điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích như: Nhanh chóng đào tạo được nhiều người có trình độ sau đại học, là lực lượng chúng ta đang cần, các đề tài luận án trên đại học tại Việt Nam thường giải quyết các vấn đề của thực tế Việt Nam đang cần. Một lợi ích rõ ràng nữa là khả năng thu hồi vốn cho vay với những đối tượng này cũng thuận lợi hơn.

Cần ưu tiên cho vay đối với nữ, vì tỉ lệ nữ ở bậc sau ĐH, PGS, GS hiện nay còn thấp và sẽ tiếp tục giảm do quy định tuổi nghỉ hưu sớm. Nếu không có những thay đổi về chính sách cho phù hợp sẽ khó thực hiện bình đẳng giới trong Khoa học- Công nghệ ở bậc cao.

Muốn nâng cao chất lượng GD cần quán triệt sâu sắc từ người quản lý đến giáo viên, người học và cha mẹ học sinh, tòan xã hội về mục tiêu của GD-ĐT. Nói một cách giản đơn là đào tạo để có những người công dân tốt, lao động tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cống hiến cho đất nước với hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Kết quả việc này phụ thuộc nhiều vào môi trường xã hội, cần một môi trường xã hội lành mạnh, có quan niệm đúng về chân giá trị con người, có cách đánh giá đúng để tuyển chọn và sử dụng con người nhất là của các cơ quan công quyền.

GS.TSKH PHẠM THỊ TRÂN CHÂU

 

* Hội Nữ trí thức Việt Nam đề nghị: Thời gian quy định cho việc hòan thành luận văn Thạc sĩ hay Tiến sĩ, thực hiện luận án tại Việt Nam đối với nữ đã có gia đình, cần được cộng thêm ít nhất 01 năm (nếu sinh 1 con, vì theo luật lao động sẽ được nghỉ 06 tháng). Đó là chưa kể đến, một khó khăn mới xuất hiện đối với các nữ trí thức trẻ (trước đây ít gặp) là sau khi lập gia đình, chồng không muốn cho vợ đi học sau đại học ở nước ngòai! Việc thay đổi cách ứng xử này là một việc không dễ dàng, nên cần có những giải pháp kịp thời, nếu không tỉ lệ nữ có trình độ học vấn cao sẽ ngày càng giảm, dẫn đến những hệ lụy không mong muốn về bất bình đẳng giới trong khoa học, công nghệ và giáo dục.                              

 

 

 

Thư viện ảnh

Xem toàn bộ
frijul03151917gmt07002020_vwuoffice_bannerfrisep04162213ict2020_ntm_mtfrifeb21134940ict2020_1900thudec19103950ict2019_thujun27114339ict2019_frimar15065103gmt2019_ho_tro_pn_khoi_nghiepthudec19093829ict2019_frifeb22085300ict2019_an_toan_phu_nu_tre_em_copy

HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Giấy phép số 103/GP-TTĐT do Cục PTTH và TTÐT cấp ngày 2/8/2022

Địa chỉ: Số 68 đường Nguyễn chí Thanh, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

 Điện thoại: (024) 39.728.747 / Email: hoinutrithucvietnam@gmail.com

Người chịu trách nhiệm: TS. Phạm Thị Mỵ - Chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực

Ghi rõ nguồn ® hointtvn.vn khi phát hành lại thông tin từ trang thông tin tổng hợp.